Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) may trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất bị thiếu hụt. Vì vậy, từng DN đều phải triển khai các giải pháp tình thế để ứng phó (như sản xuất một số sản phẩm mới, tìm kiếm và thay thế nguồn cung nguyên, phụ liệu…).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc và chủ yếu là may gia công xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc. Vì thế, nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất của các DN chủ yếu là do đối tác cung cấp, trong đó có khoảng 90% là từ Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều DN may hiện đang bị thiếu hụt nguyên, phụ liệu nên sản xuất gặp khó khăn, thậm chí phải bù lỗ, duy trì hoạt động cầm chừng.
Ông Vũ Xuân Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần (CP) May xuất khẩu Phú Lương cho biết: Do không nhập được nguồn nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc nên đến nay, Công ty mới chỉ sản xuất được khoảng 40% số lượng sản phẩm theo các đơn hàng trong quý I-2020. Không có hàng xuất bán, Công ty phải bù lỗ lương cho người lao động, đồng thời rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày và nỗ lực bảo đảm chế độ bảo hiểm để giữ chân người lao động trong thời điểm này. “Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu nguồn nguyên, phụ liệu kéo dài đến hết tháng 3 này thì đơn vị buộc phải tạm ngừng sản xuất” - ông Vũ Xuân Cương bày tỏ nỗi lo…
Tương tự, đối với Công ty CP May Thành Hưng, ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Do thiếu nguồn cung nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất nên chúng tôi đã phải hủy một số đơn hàng có số lượng lớn, vì thế công suất nhà máy bị sụt giảm tới 50% so với trước đó, nhiều công nhân thiếu việc làm, trong khi nhu cầu sản phẩm tại các thị trường nhập khẩu lại rất lớn. Để duy trì sản xuất, từ tháng 2 vừa qua, Công ty đã chuyển sang may sản phẩm khẩu trang nhưng cũng chưa mang lại hiệu quả thực sự.
Còn đối với một số DN may có quy mô lớn (như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT), mặc dù tình hình sản xuất cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các DN này đã có những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, mang lại hiệu quả khả quan. Ông Hà Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT cho biết: Quý I năm nay, Công ty phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt trên 54 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, khi việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc gặp khó khăn, Công ty đã chủ động tìm kiếm, ký hợp đồng với một số DN ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh về việc cung cấp nguyên, phụ liệu, nhờ đó Công ty duy trì sản xuất hàng may mặc ổn định.
Còn ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG thông tin: Là một trong số ít DN may trên địa bàn tỉnh có sản phẩm may theo hình thức FOB (tự chủ về nguyên, phụ liệu), vì thế chúng tôi đã chủ động nhập đủ nguyên, phụ liệu từ trước để bảo đảm sản xuất đến hết tháng 3 này. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nguồn nguyên, phụ liệu được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm, Công ty đã chủ động thay thế một số nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu từ trong nước; đồng thời sản xuất thêm các mặt hàng mới như khẩu trang chống khuẩn, quần áo bảo hộ y tế xuất khẩu. Về lãi suất của các sản phẩm may phục vụ trong lĩnh vực y tế cao hơn so với quần áo thông thường, tuy nhiên, ông Thời cho biết các quy định để được xuất khẩu sản phẩm này đòi hỏi rất ngặt nghèo. Đây chính là bài toán khó đối với các DN may có quy mô nhỏ, vẫn còn sản xuất theo hình thức gia công bán thành phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu hiện nay...
May thêm sản phẩm khẩu trang y tế là một trong những giải pháp giúp Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng sản phẩm may trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 13,1 triệu sản phẩm, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp (Sở Công Thương): Sản lượng hàng may mặc sụt giảm đáng kể là do ngành dệt may đang chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19, cụ thể là thiếu nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Để giúp các DN may từng bước tháo gỡ khó khăn này, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và định hướng của Bộ Công Thương, ngày 13-2, Sở Công Thương đã ban hành văn bản gửi các DN may về việc hỗ trợ và tư vấn DN sản xuất khẩu trang. Theo đó, các DN may sẽ được tham gia hỗ trợ về chứng nhận hợp quy sản phẩm khẩu trang; tư vấn quy trình, sản xuất, hóa chất sử dụng trong vải kháng khuẩn để may khẩu trang; kết nối DN may khẩu trang và đơn vị sản xuất vải… Theo đó, hiện nay, một số DN may có quy mô lớn trên địa bàn (như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) đã chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm này nhằm khắc phục khó khăn. “Việc thiếu hụt nguồn nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc cũng cho thấy các DN may trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đồng nghĩa với việc các DN phụ trợ ngành may trong tỉnh cần được quan tâm phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Về việc này, Sở cũng đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ để các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ phát triển, trong đó có lĩnh vực dệt may” - ông Bình chia sẻ thêm…
Theo đánh giá chung của các DN may trên địa bàn tỉnh thì những giải pháp nêu trên của ngành chức năng và của từng DN hiện nay vẫn chỉ mang tính tình thế, bởi bản chất hoạt động sản xuất của các DN may hiện nay chủ yếu là may gia công bán thành phẩm. Vì thế, về lâu dài, các DN đề nghị tỉnh có thêm cơ chế, chính sách về nguồn vốn ưu đãi, các gói hỗ trợ giúp DN tiếp cận công nghệ mới, xúc tiến thương mại có chiều sâu để từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất may FOB, ODM nhằm chủ động hơn về nguồn nguyên, phụ liệu trong nước… Khi những giải pháp “căn cơ” này được triển khai thực hiện hiệu quả sẽ góp phần quan trọng giúp các DN may ổn định hoạt động lâu dài, phát triển bền vững.