Sau hơn 20 năm thành lập, Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I đã phần nào khẳng định được vai trò, vị thế của KCN tập trung đầu tiên của tỉnh về thu hút đầu tư, phát tiển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch KCN này đang cho thấy nhiều bất cập, khó khăn, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh nhưng giữa các cấp, ngành và chủ đầu tư hạ tầng chưa thống nhất quan điểm, trong khi người dân trong khu vực đang chịu nhiều thiệt thòi.
"Sống mòn" trong vùng quy hoạch
Trong nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại T.P Sông Công những năm gần đây, người dân liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch KCN Sông Công I; đưa ra khỏi KCN những khu vực đông dân cư đã quy hoạch từ 20 năm trước nhưng vẫn chưa triển khai. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Bách Quang cho biết: Chúng tôi thường xuyên nhận được kiến nghị của người dân về việc điều chỉnh quy hoạch và vấn đề môi trường KCN.
KCN Sông Công I là KCN tập trung đầu tiên của tỉnh, được thành lập từ năm 1999, có tổng diện tích ban đầu là 320ha, sau một số lần điều chỉnh hiện còn 196,88ha. Đến nay, KCN này đã thu hút được 90 dự án đầu tư, trong đó có 20 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký quy đổi trên 7.000 tỷ đồng, thu hút trên 11.000 lao động. |
Gia đình anh Dương Quý Hợi ở tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang (nằm trong quy hoạch KCN) có 3 anh em trai đều đã xây dựng gia đình riêng nhưng vẫn phải ở chung với bố mẹ. Đại gia đình 14 người, 3 thế hệ ở chung trong một ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp với nhiều phòng được ngăn vách tạm bợ. Anh Hợi nói: Chúng tôi bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được chuyển mục đích, không được cấp phép xây dựng nhà kiên cố, khó thế chấp bất động sản để vay vốn ngân hàng. Cuộc sống của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi nên rất mong các cấp, ngành chức năng sớm điều chỉnh để đưa vùng này ra khỏi quy hoạch hoặc đền bù để người dân chuyển đến nơi khác.
Gần 200 hộ dân ở tổ dân phố Chương Lương, tổ dân phố Làng Mới cùng phường cũng trong tình cảnh như gia đình anh Dương Quý Hợi. Vì nhu cầu cấp thiết về chỗ ở nên không ít hộ đã cố tình xây nhà không phép, sai phép khiến công tác quản lý đất đai, xây dựng của chính quyền gặp nhiều khó khăn, áp lực. Kết cấu hạ tầng trong khu vực quy hoạch cũng không được xây dựng đồng bộ, nhiều đoạn đường vẫn chưa được cứng hóa ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Cùng với đó, một số hộ dân do chưa được đền bù để di chuyển nên vẫn phải sống gần các nhà máy, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường…
Cần sớm tìm "tiếng nói" chung
Trong khi người dân mong mỏi việc điều chỉnh quy hoạch, được đưa ra khỏi dự án hoặc được đền bù để chuyển đến nơi khác thì giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Công I chưa có sự thống nhất phương án. Vì thế, việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch KCN này được các cấp, ngành liên quan đưa ra từ đầu năm 2017 nhưng đến nay không có nhiều tiến triển.
Chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Công I là Công ty CP Phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên, tiền thân là đơn vị sự nghiệp công lập, từ đầu năm 2016 đến nay hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngày 15/2/2017, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty từ UBND tỉnh Thái Nguyên. Qua nhiều giai đoạn phát triển và mô hình hoạt động, khó khăn xuyên suốt đối với Công ty là thiếu vốn giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng (chủ yếu trông vào nguồn ứng trước của các nhà đầu tư thứ cấp). Vì vậy, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm và thường tiến hành theo kiểu “xôi đỗ”. Có khu vực đã được thống kê, kiểm đếm tài sản của người dân và lên phương án bồi thường nhưng chủ đầu tư không có kinh phí chi trả. Đến nay, KCN này mới lấp đầy được trên 90ha (gần 50% diện tích quy hoạch). Việc GPMB khó khăn ngoài ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư còn làm thay đổi tính chất của KCN này, xây dựng khó theo quy hoạch ban đầu.
Trong số hơn 100ha còn lại có những vùng đông dân cư (chủ yếu thuộc tổ dân phố Chương Lương và Làng Mới, nơi có tỷ lệ đất ở và đất vườn liền thổ cao), giá bồi thường cũng tăng theo quy định nên việc GPMB và bố trí tái định cư càng khó khăn. Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, số tiền cần để GPMB 54ha tập trung đông dân cư này lên tới khoảng 400 tỷ đồng (gấp từ 3 đến 4 lần mặt bằng chung). Điều đó khiến suất đầu tư hạ tầng tại đây quá cao, trong khi giá cho thuê mặt bằng đối với các nhà đầu tư thứ cấp không thể tăng tương ứng.
Trước “bài toán” kinh tế và những kiến nghị liên tục của người dân, đầu năm 2017, các cấp, ngành liên quan đã thống nhất đề nghị điều chỉnh giảm diện tích KCN Sông Công I từ 196,88ha xuống 141,5ha, đưa ra khỏi quy hoạch những vùng có mật độ dân cư cao. Riêng Công ty CP Phát triển KCN Thái Nguyên đề nghị chờ ý kiến của SCIC. Đến tháng 1-2019, Công ty có văn bản xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể KCN Sông Công I theo hướng: Giảm 45,6ha tại những vị trí đông dân cư, đề nghị bổ sung diện tích tương tự ở khu vực khác vào KCN (tức là chỉ điều chỉnh ranh giới). Tiếp đó, cuối năm 2019, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho giữ nguyên quy mô diện tích quy hoạch KCN Sông Công I là 196,88ha nhằm bảo toàn vốn nhà nước tại Công ty.
Trong khi đó, UBND T.P Sông Công và Ban Quản lý các KCN tỉnh không đồng ý phương án này, bởi vị trí Công ty CP Phát triển KCN Thái Nguyên đề nghị mở rộng để bù vào diện tích điều chỉnh giảm không phù hợp với quy hoạch chung của T.P Sông Công đã được phê duyệt. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch điều chỉnh giảm diện tích KCN xuống 141,5ha…
Theo chủ trương chung, việc rà soát, đánh giá thực tế triển khai các KCN để điều chỉnh giảm hoặc tăng diện tích, loại bỏ hoặc lập thêm các KCN mới là công tác thường xuyên, cần thiết. Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ: Đối với các KCN gặp khó khăn trong công tác bồi thường GPMB hoặc không đảm bảo khả năng thu hút đầu tư, địa phương chủ động đề xuất điều chỉnh diện tích cho phù hợp với thực tế. Có thể nói, trước tình hình của KCN Sông Công I hiện nay, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết đối với công tác thu hút đầu tư và an sinh xã hội trong khu vực. Vấn đề này cần sớm thống nhất để triển khai, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.