Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến không ít doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) thiếu việc làm. Trước thực tế này, các DN đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm giúp NLĐ đảm bảo cuộc sống…
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì hiện có khoảng 30% DN đang tạm dừng hoạt động, giãn hoặc thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó, số DN tạm ngừng hoạt động là hơn 200 và 130 DN đóng mã số thuế. Cùng với đó là hàng ngàn NLĐ bị cắt giảm, chỉ tính riêng quý I, số lao động trong DN hoạt động ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã giảm 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khối DN nhà nước giảm 5,5% so với cùng kỳ; DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI giảm 8,2% (tính riêng tháng 3/2020 Công ty TNHH SamSung Elecstronics Việt Nam Thái Nguyên giảm gần 8.000 lao động so với cùng kỳ).
Tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), Công ty TNHH KD Heat Technology - đơn vị chuyên gia công cơ khí, tôi cao tần cho trục Cam của các hãng xe máy Yamaha, Honda.., đã phải cho toàn bộ (30 NLĐ) luân phiên nhau làm việc. Sở dĩ có điều này là do các đối tác nước ngoài của Công ty tại Nhật cũng đang tạm thời dừng hoạt động 15 ngày để chống dịch, vì thế, lượng đơn hàng của Công ty bị sụt giảm khoảng 10% so với kế hoạch. Anh Tăng Văn Thắng, công nhân của đơn vị cho biết: Trước khó khăn chung, tôi rất chia sẻ với đơn vị của mình. Ngoài khoảng thời gian chia ca, kíp làm việc để bảo đảm số lượng công việc cho mọi người, Ban Giám đốc Công ty còn tranh thủ tập huấn, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho anh em. Còn tại Công ty TNHH Mani Hà Nội (T.X Phổ Yên) - đơn vị chuyên sản xuất thiết bị y tế, đến thời điểm này, các sản phẩm cũng chất đầy kho mà chưa thể xuất đi tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ ngày 1-4, Công ty đã buộc phải cho 300 công nhân nghỉ việc tạm thời đến 30-4 để đợi thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại. Dù công nhân nghỉ việc, nhưng Công ty vẫn trích quỹ dự phòng để chi trả 70% lương cơ bản cho NLĐ và đóng đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tương tự, tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - một trong những DN lớn của tỉnh đang tạo việc làm cho trên 16.000 lao động cũng đang điêu đứng bởi nhiều khách hàng lớn đã tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020, trong khi DN vẫn phải gánh quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng. Cần phải nói thêm, sản phẩm của DN này 70% xuất đi thị trường Mỹ và EU, nên khi những đối tác nhập khẩu của hai thị trường này tạm ngưng nhận hàng thì xem như Công ty không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, từ đầu tháng 4, một số chi nhánh trong Công ty như Đại Từ, Việt Đức, Sông Công, NLĐ đã phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.
Trong thời điểm này, khó khăn nhất có lẽ là NLĐ làm việc cho các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Ông Nguyễn Đăng Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho biết: Các DN vận tải hành khách đều tạm dừng hoạt động từ 30-3, đồng nghĩa với đó là NLĐ làm việc tại các DN này đều phải nghỉ tạm thời. Tuy nhiên do hoạt động vận tải khó khăn từ nhiều tháng nay, nên hầu hết các DN như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hà Lan, Công ty CP Tập đoàn Việt Vịnh, HTX Vận tải Chùa Hang, Công ty TNHH MTV Mai Linh… đều chỉ có thể hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Được biết, Công ty CP Vận tải hành khách Thái Nguyên là DN duy nhất trong Hiệp hội Vận tải có hỗ trợ 70% lương cơ bản cho NLĐ khi nghỉ việc tạm thời…
Có thể thấy, các DN trên địa bàn tỉnh đều đang phải “căng mình” vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm đời sống cho NLĐ. Sản xuất, kinh doanh khó khăn, không tiêu thụ được sản phẩm, nhiều DN đã phải tìm cách bù lỗ mới có thể duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân được NLĐ. Trước áp lực này, các DN đang rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương về giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ về thuế hoặc có những chương trình vay vốn ưu đãi... giúp DN từng bước tháo gỡ khó khăn.