Thời gian qua, ngành khai thác khoáng sản đã có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, vừa cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp (DN), vừa phục vụ xuất khẩu. Bước sang năm nay, do nhiều nguyên nhân tác động nên sản lượng, giá trị sản xuất của ngành khai khoáng bị giảm so với thời gian trước. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian tới, các đơn vị, DN khai khoáng trên địa bàn sẽ sớm ổn định sản xuất, bảo đảm sản lượng khoáng sản cung cấp ra thị trường. Đồng thời, các DN cũng chú trọng công tác bảo đảm an toàn khai thác mỏ trong mùa mưa bão năm nay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 120 mỏ, điểm mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, với 3 loại khoáng sản chính, gồm: Kim loại (vàng, chì, kẽm, đồng, thiếc, quặng sắt); năng lượng (than); phi kim loại (vật liệu xây dựng…). Mỗi năm, ngành khai khoáng đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; giải quyết việc làm, góp phần ổn định đời sống cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, trong quý I năm nay, do nhiều nguyên nhân tác động nên sản lượng khai thác và giá trị sản xuất của ngành khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã bị sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như: Than sạch đạt gần 325.000 tấn (giảm 8,3%); quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung đạt gần 394.000 tấn (giảm 8,5%); đồng tinh quặng đạt trên 10.000 tấn (giảm 0,6%)…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hanh, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chuỗi tiêu thụ sản phẩm bị giảm và tác động của yếu tố thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại các mỏ. Mặc dù vậy, việc giảm sản lượng khai thác khoáng sản cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy cũng như xuất khẩu khoáng sản chế biến sâu theo kế hoạch. Cùng với đó, khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả khả quan, đồng thời các mỏ hoàn thành biện pháp phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn khai thác trong mùa mưa bão năm nay thì sẽ sớm ổn định sản xuất trở lại, từ đó bảo đảm sản lượng khai thác các loại khoáng sản theo kế hoạch…
Là 1 trong 5 mỏ than có trữ lượng lớn trên địa bàn tỉnh, nhưng từ đầu năm đến nay, Mỏ than Yên Phước ở xã Na Mao (Đại Từ) của Công ty cổ phần (CP) Yên Phước gặp không ít khó khăn trong sản xuất. Ông Ngụy Quang Thuyên, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, từ gần 1 tháng nay đơn vị đã cho công nhân tạm nghỉ việc. Hiện nay, trên mỏ chỉ còn hơn 10 công nhân ở lại để gia cố bãi thải và chống sạt lở khu vực mỏ, còn hoạt động sản suất thì tạm ngừng. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, ngay từ đầu năm đã xuất hiện mưa to cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của Công ty, trong quý I sản lượng than khai thác chỉ đạt trên 30.000 tấn, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực nâng công suất khai thác để bảo đảm sản lượng than đạt kế hoạch cả năm. Còn ông Hoàng Kiều Hưng, Phó Giám đốc Công ty than Khánh Hòa - VVMI cho biết: Mỏ than Khánh Hòa cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và các đơn vị khác thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc nên về thị trường tiêu thụ than không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn khai thác trong mùa mưa bão năm nay, đơn vị phải tập trung hoàn thành các biện pháp phòng, chống sạt lở trên khai trường và khu vực bãi thải, đồng thời do sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên sản lượng than khai thác của Công ty trong quý I năm nay vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (đạt 70.000 tấn). Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất cả năm, hiện nay, đơn vị đang tập trung nhân lực, máy móc thiết bị nâng cao năng suất, sản lượng khai thác than. Cùng với đó tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho người lao động.
Dây chuyền tuyển quặng ở Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).
Đối với lĩnh vực khai thác quặng sắt, trên địa bàn tỉnh có hai mỏ lớn là Mỏ sắt Trại Cau và Mỏ sắt Tiến Bộ (cùng ở huyện Đồng Hỷ, thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Trong đó, do tình trạng sạt lở, mất nước, nứt nhà của hơn 100 hộ dân sinh sống gần khu vực khai thác nên Mỏ sắt Trại Cau đã tạm ngừng hoạt động từ đầu tháng 3-2020. Với công suất khai thác 10.000 tấn/tháng, việc tạm dừng khai thác tại Mỏ sắt Trại Cau ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng khai thác quặng sắt trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị và cung cấp ra thị trường, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang có phương án điều chuyển trên 50 cán bộ, nhân viên của Mỏ sắt Trại Cau sang Mỏ sắt Tiến Bộ. Ông Trịnh Thanh Hà, Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ cho biết: Hiện nay, Mỏ đang tổ chức 2 ca sản xuất với công suất khai thác 1.000 tấn quặng sắt/ngày. Sau khi được bổ sung thêm lực lượng từ Mỏ sắt Trại Cau, chúng tôi sẽ tăng thêm 1 ca làm việc/ngày từ đầu quý III, từ đó công suất khai thác của đơn vị sẽ tăng thêm khoảng 4.000-5.000 tấn/ngày, vừa ổn định việc làm cho người lao động vừa bảo đảm sản lượng quặng sắt cung cấp cho Công ty và bán ra thị trường…
Từ thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều ngành sản xuất, trong đó có ngành khai khoáng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực triển khai nhiều phương án thích hợp để vừa ổn định sản xuất vừa bảo đảm an toàn khai thác trong mùa mưa bão năm nay đang được các DN thực hiện, chắc chắn sản lượng khai thác các loại khoáng sản sẽ hoàn thành kế hoạch được tỉnh đề ra.