Giải pháp đồng bộ phát triển công nghiệp

08:45, 14/05/2020

T.P Thái Nguyên được mệnh danh “Thành phố thép” năm xưa nổi tiếng với Khu công nghiệp Gang thép “đứa con đầu lòng” của ngành công nghiệp nặng Việt Nam. Ngoài khu Gang thép, địa phương sớm hình thành nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với các nhóm ngành nghề đa dạng. Ở giai đoạn nào, lĩnh vực công nghiệp - TTCN cũng được địa phương chú trọng, nhằm đưa kinh tế phát triển. Để thúc đẩy công nghiệp - TTCN phát triển bền vững, T.P Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Đầu tháng 5, tiếp cận một số cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi cảm nhận không khí hoạt động sản xuất bình thường trở lại sau nhiều ngày ảnh hưởng bởi dịch COVID -19. Dẫn chúng tôi đi thăm dây chuyền sản xuất với công nghệ tự động hiện đại vừa được đầu tư, lắp đặt, ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, có địa chỉ tại tổ 3 (phường Tân Lập) chia sẻ: Từ một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, đến nay gia đình tôi đã đầu tư, mở rộng sản xuất hàng trăm sản phẩm phụ tùng cơ khí doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng mỗi năm và thường xuyên giải quyết việc làm cho trên 70 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, tại xóm Nam Tân (xã Tân Cương) sau nhiều ngày tiêu thụ sản phẩm chè trầm lắng, khiến HTX phải hoạt động cầm chừng thì nay cũng đã hoạt động ổn định trở lại. Hệ thống máy móc, thiết bị như: Máy hút chân không, hệ thống sao sấy chè, máy bảo quản hoạt động hết công suất. Chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX cho hay: Những năm gần đây, HTX sản xuất, tiêu thụ từ 20-25 tấn chè búp khô, doanh thu đạt gần chục tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và một phần xuất khẩu.

 Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên đánh giá: Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn Thành phố phát triển cả về quy mô, số lượng, chất lượng cũng như nguồn vốn đầu tư. Nếu như năm 2015, địa phương mới có 200 doanh nghiệp, 1.340 hộ cá thể sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - TTCN, thì đến nay địa phương đã có 431 doanh nghiệp và 3.002 hộ cá thể sản xuất công nghiệp - TTCN; 74 HTX, trong đó có gần 20 HTX chế biến chè. Công nghiệp - TTCN cũng đã đóng góp đáng kể vào kinh tế chung của Thành phố. Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN địa phương chỉ đạt 420 tỷ đồng thì đến năm 2019 đạt trên 1.000 tỷ đồng (trung bình hằng năm, giá trị sản xuất CN tăng trên 15%).

Nhằm từng bước phát triển công nghệp - TTCN bền vững, T.P Thái Nguyên đã sớm quy hoạch 8 cụm công nghiệp (CCN) tập trung. Với chính sách thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN, đến nay có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ vào CCN, đó là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đầu tư xây dựng CCN Sơn Cẩm 1; Công ty cổ phần Vương Anh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Sơn Cẩm 3. Trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công của tỉnh và nguồn ngân sách địa phương, Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể để phát triển công nghiệp - TTCN. 

Tuy nhiên các chuyên gia về công nghiệp cũng đánh giá: Công nghiệp - TTCN trên địa bàn T.P Thái Nguyên có bước phát triển khá, nhưng trên thực tế chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nguồn lực lao động của địa phương; nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN phát triển ở quy mô nhỏ, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường không cao; một số cơ sở sản xuất chưa được quy hoạch tập trung, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước… Khảo sát thực tế chúng tôi cũng nhận thấy, mặc dù sớm quy hoạch các CCN nhưng một số CCN vẫn chưa thu hút được nhiều cơ sở sản xuất vào hoạt động. Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường, có nhà máy sản xuất bê tông tươi và gạch không nung đặt tại CCN Cao Ngạn bày tỏ: Do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tại CCN Cao Ngạn, nên chúng tôi triển khai dự án tại đây vừa phải tự giải phóng mặt bằng, vừa phải đầu tư xây dựng công trình thiết yếu nên khá tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Mạnh Cường, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy công nghiệp - TTCN địa phương phát triển, trong thời gian tới T.P Thái Nguyên sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ hơn. Theo đó, tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất công nghiệp - TTCN; thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào các CCN; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN vào CNC để tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Về quan điểm thu hút đầu tư, địa phương khuyến khích, ưu tiên dự án phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chế biến sâu như: Công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản sạch và sản xuất thân thiện với môi trường…