Sau ảnh hưởng dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) cơ khí trên địa bàn tỉnh lại càng gặp khó khăn hơn do thị trường tiêu thụ giảm sút. Nhiều tháng nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải tìm cách cho công nhân nghỉ chờ việc, làm việc luân phiên hoặc bù lỗ để duy trì sản xuất cầm chừng.
Trong số DN cơ khí thì DN sản xuất phụ tùng xe máy gặp khó khăn nhiều nhất bởi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh kể từ sau dịch COVID-19. Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân ở T.P Sông Công bày tỏ nỗi lo: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất khuôn, gá phục vụ chế tạo chi tiết máy cho các Công ty CP Meinfa, Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty CP Xích líp Đông Anh... Từ đầu năm đến nay, do các đối tác không ký được đơn hàng mới nên hoạt động sản xuất của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng theo. Cụ thể trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị chỉ đạt 18,5 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tháng nay, Công ty phải bù lỗ từ 1-2 tỷ đồng/tháng để duy trì sản xuất và cho hơn 40/90 lao động nghỉ việc.
Công ty CP Phụ tùng máy số 1 cũng rơi vào tình trạng khó khăn, ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc đơn vị cho biết: Nếu như trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu trung bình của Công ty đạt 70 tỷ đồng/tháng thì kể từ tháng 4 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 40 tỷ đồng/tháng. Nguyên nhân là do Công ty không ký được các đơn hàng sản xuất mới. Trước khó khăn này, chúng tôi buộc phải cho công nhân làm việc theo hình thức luân phiên, nghỉ việc vào các ngày thứ bảy, chủ nhật thậm chí cả ngày thứ sáu trong tuần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe máy thì các DN cơ khí hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất dụng cụ cầm tay, thiết bị nâng hạ cầu trục, nhà thép tiền chế, thiết bị y tế... cũng gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ giảm sút. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) - đơn vị chuyên sản xuất nhà thép tiền chế, bồn bể chứa xăng dầu chia sẻ: Kể từ tháng 4 trở ra, Công ty chỉ ký được các đơn hàng có số lượng từ 50-70 tấn/tháng (giảm từ 250-280 tấn so với thông thường). Sản lượng đơn hàng giảm sâu khiến Công ty buộc phải cho 30 lao động làm việc theo hình thức luân phiên. Chị Nguyễn Thị Thành, công nhân làm việc tại Xưởng hàn của Công ty cho biết: Thiếu việc làm đồng nghĩa với thu nhập bị ảnh hưởng. Trong tháng 4 và 5 vừa qua, thu nhập trung bình của tôi chỉ được khoảng 7 triệu đồng/tháng (giảm từ 1-2 triệu đồng so với trước). Dù vậy nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực làm việc để cùng Công ty sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo đại diện của các DN, hiện nay các DN sản xuất công nghiệp đang trong quá trình khôi phục sản xuất - kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, trong đó sản phẩm phụ tùng xe máy gặp khó khăn hơn cả do thị trường cung - cầu đã bị bão hòa từ trước dịch COVID-19. Cùng với đó, sau dịch COVID-19, người dân thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu mua, đổi mới xe máy ít hơn dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm này càng thêm khó khăn.
Giải pháp mà các DN cơ khí đang triển khai thực hiện hiện nay là duy trì sản xuất cầm chừng, cùng với đó là tích cực quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã mạnh dạn chuyển hướng sản xuất từ các đơn hàng có quy mô lớn sang phục vụ các đơn hàng nhỏ lẻ... Các DN cơ khí luôn tin tưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm cơ khí sẽ sớm khởi sắc trở lại bởi dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu mở cửa giao thương trở lại. Song để sớm tiếp cận được với cơ hội này các DN cơ khí mong muốn các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh có thêm nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án sản xuất mới vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tạo cầu nối cho các DN trong việc tiêu thụ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...