Masan Tài nguyên: 10 năm kiến tạo "bệ phóng" cho tăng trưởng tương lai

18:12, 17/06/2020

Năm 2020 - Mốc son đánh đấu bước tiến quan trọng của Công ty cổ phần Tàinguyên Masan (MSR) khi chính thức hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C.Starck Group GmbH (HCS) để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao toàn cầu. Sau 10 năm, vùng đồi bãi xen đồng đất khô cằn đã trở thành nhà máy sản xuất, chế biến khoáng sản hàng đầu thế giới; góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê thuần nông trở nên trù phú, sầm uất... 10 năm cố gắng không ngừng, MSR đã “biến” những điều tưởng chừng như “không thể” thành “có thể” - một hành trình nỗ lực vươn lên khẳng định giá trị, bản lĩnh và sự quyết tâm dựa trên những giá trị cốt lõi “Tôn trọng - Hành động - Kết quả”

Biến làng thành “phố”

Là một người con của quê hương Thái Nguyên, mỗi lần về thăm mảnh đất Đại Từ là mỗi lần tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của miền quê này, nhất là các xã, thị trấn như Hà Thượng, Tân Linh, Hùng Sơn... Những con đường nhỏ hẹp, gồ ghề đá sỏi được thay thế bằng đường bê tông, đường nhựa rộng rãi, thoáng đãng; nhà văn hóa, trạm y tế, trường học khang trang, thoáng rộng; các khu tái định cư văn minh, hiện đại và tiện ích; phố xá có thêm nhiều cửa hàng cửa hiệu, dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng... Nhất là qua xã Hà Thượng khi hoàng hôn buông xuống, khu nhà máy chế biến khoáng sản của MSR hiện lên đồ sộ, ánh điện lung linh như hàng nghìn vì sao tỏa sáng. Nhưng điều thú vị là trong sự phát triển hiện đại ấy nhưng vẫn tạo cho chúng tôi cảm giác yên bình của một vùng quê vốn thuần nông. Bởi trong tôi không có cảm giác nhức óc bởi ồn ào xe cộ; khó chịu vì khói bụi hay mùi hắc của các loại hóa chất... Đó là minh chứng sống động MSR đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như có trách nhiệm trong việc quan tâm tới đời sống cộng đồng dân cư vùng ảnh hưởng bởi Dự án.

Quả không sai khi chúng tôi trò chuyện với một số người dân cũng như lãnh đạo một số xã, thị trấn vùng ảnh hưởng bởi Dự án họ đều cho rằng: MRS đã góp phần không nhỏ trong chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cộng đồng dân cư ở vùng quê Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Đây là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Công ty và được hiện thực hóa bằng kế hoạch ngân sách hàng năm và các dự án hỗ trợ cộng đồng cụ thể. Trung bình mỗi năm, MSR đã đầu tư khoảng 3-5 tỷ đồng cho các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho cộng đồng, dịch vụ khuyến nông và sinh kế bền vững cho người dân, sức khỏe cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường, tín dụng vi mô, nâng cao năng lực và các chương trình tài trợ, từ thiện... trên địa bàn các xã ảnh hưởng nói riêng và tỉnh, huyện nói chung. Tổng số tiền MSR đầu tư cho các chương trình này trong 10 năm qua lên tới hàng trăm tỷ đồng. MSR đã đầu tư 4,2 triệu USD để xây dựng Trạm xử lý nước thải và 800.000 USD để lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động.

Dây chuyền sản xuất được đầu tư xây dựng hiện đại.

Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan Tài nguyên cho biết: Ngay từ trước khi triển khai Dự án Núi Pháo, chúng tôi đã xác định phải thực hiện công bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng vì họ sẽ hy sinh rất nhiều để phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Do đó phải làm sao hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của họ, mà phải tạo ra nhiều cơ hội để cải thiện, nâng cao đời sống người dân với mục tiêu đảm bảo người dân tái định cư đến nơi ở mới có điều kiện phát triển bền vững.

Doanh nghiệp xuất sắc tỉnh Thái Nguyên qua các năm; Doanh nghiệp xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương; Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng; Sao Vàng đất Việt; Doanh nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh Quốc gia; Doanh nghiệp vì người lao động; Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam; Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2018, 2019.

Với những chính sách ưu tiên số một cho những người dân vùng ảnh hưởng bởi Dự án được xem xét, tuyển dụng vào làm việc cho Công ty, MSR đã thu hút khoảng 1.500 lao động trong đó lao động địa phương chiếm trên 60%. Và tất cả những người khi được hỏi đều tự hào, hãnh diện khi được vào làm việc cho một công ty có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, với phong cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản như Công ty MSR. Ngoài ra, cán bộ, công nhân viên Công ty MSR còn được hưởng những đãi ngộ mà không phải công ty nào cũng làm được, như: đào tạo nghề; không chỉ hưởng đầy đủ các chính sách bảo hiểm theo quy định hiện hành mà còn được hưởng những ưu đãi riêng của Công ty; những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời về cả vật chất và tinh thần; mức thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng... Nhiều người lao động đã cố gắng, nỗ lực, phát huy được khả năng trong công việc, được Ban lãnh đạo Công ty tin dùng, bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng.

Từ khai thác thô đến chế biến sâu khoáng sản

Cách đây 10 năm, Tập đoàn Masan làm Lễ tái khởi động dự án Núi Pháo với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng trong sự hoài nghi của không ít người về thành công của Dự án. Nhưng rồi, bằng bản lĩnh, niềm tin và khát vọng, Masan đã “đánh thức” Núi Pháo, trở thành dự án thành công lớn, cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu Vonfram hàng đầu thế giới. Tại sao lại hoài nghi? Điều đó là hoàn toàn có căn cứ bởi năm 2004, Công ty Núi Pháo được thành lập. Thời điểm này đối tác nước ngoài là Tibron Canada đang nắm giữ 70% mỏ Núi Pháo; Việt Nam chỉ có 30%. Khủng hoảng kinh tế năm 2007 đã khiến Tibron bán lại Núi Pháo cho Quỹ đầu tư Dragon Capital. Thế nhưng Dragon Capital cũng không thể lo liệu được đủ vốn để hoạt động, buộc Dự án phải tạm dừng vào năm 2008.

Ngày 18/6/2010 tại Thái Nguyên, Tập đoàn Masan đã đưa mỏ Vonfram mới đầu tiên trên thế giới chính thức đi vào hoạt động trong vòng 15 năm, khó khăn chồng lên khó khăn là một sự tất yếu. Với việc khởi động lại dự án Núi Pháo đã đưa Masan Tài nguyên trở thành thương hiệu được quan tâm nhất vào thời điểm đó trên bản đồ khai khoáng Thế giới. Với  bản lĩnh, niềm tin và khát vọng, Masan Tài nguyên đã chính thức hiện thực hóa Niềm tin Việt Nam; đồng thời “đánh thức” Núi Pháo trở thành dự án điển hình trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu Vonfram... Bằng những trái tim nhiệt huyết, gắn kết trí tuệ và sự chuyên cần MSR tiếp tục tạo nên những cột mốc lịch sử mới trên hành trình vươn ra toàn cầu.

Nhà máy HCS ở Đức.

Năm 2014, Công ty đã liên doanh với H.C. Starck để thành lập Công ty chế biến sâu Vonfram, đến năm 2018, Công ty đã mua lại 49% cổ phần tại công ty liên doanh, và xa hơn nữa năm 2019 Masan Tài nguyên đã mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram toàn cầu của H.C.Starck - một nhà sản xuất hàng đầu với 100 năm kinh nghiệm trong công nghiệp chế biến cận sâu sản phẩm Vonfram như bột kim loại Vonfram và Vonfram cac-bua. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty là trở thành nhà cung cấp vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới cho khách hàng toàn cầu. Việc sở hữu nền tảng công nghệ và kinh doanh của H.C.Starck sẽ giúp Masan Tài nguyên trở thành nhà cung cấp Vonfram trong top 5 thế giới, đồng thời sẽ tiếp cận với thị trường vonfram có trị giá 4.6 tỷ USD và 700 khách hàng.. Cũng từ đây, toàn bộ kim ngạch xuất khẩu từ khu vực FDI của doanh nghiệp đã được điều chỉnh về khu vực nội địa của tỉnh. Theo đó, mỗi năm Công ty sẽ đóng góp khoảng 50% vào tổng kim ngạch xuất khẩu địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Công ty đã trải qua một hành trình dài 10 năm, chuyển dịch từ một dự án khai thác khoáng sản thành nhà cung cấp tài nguyên chiến lược của Việt Nam cho khách hàng sử dụng vật liệu công nghệ cao toàn cầu. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo những giá trị cốt lõi: Phát triển kinh tế, quan tâm cộng đồng xã hội và bảo vệ môi trường - xứng đáng được ghi nhận là điểm sáng trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản tại Việt Nam.