Mở rộng “cánh cửa” xuất khẩu

09:23, 13/06/2020

Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), sẽ chính thức có hiệu lực sau 2 tháng nữa. Đây là cơ hội “vàng” mở rộng “cánh cửa” xuất khẩu cho các doanh nghiệp (DN) trong cả  nước nói chung, trên địa bàn tỉnh ta nói riêng. Tuy nhiên, trước đòi hỏi chặt chẽ về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, các DN cần có những giải pháp kịp thời, hiệu quả, tập trung cơ cấu lại sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm…     

Xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế 

Từ thực tế cho thấy, việc phê chuẩn EVFTA rất phù hợp với chủ trương đối ngoại hiện nay, hướng tới thị trường có tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Cùng với mở rộng “cánh cửa” thị trường xuất khẩu hàng hóa, điều đặc biệt có ý nghĩa đối với các DN Việt Nam là việc xóa bỏ nhiều dòng thuế xuất khẩu, đây được coi là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Đối với các DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tỷ trọng 30,6%). 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 11,28 tỷ USD, trong đó xuất sang Slovakia đạt 869 triệu USD; Đức 529 triệu USD. Hình thức xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu trực tiếp với các sản phẩm chủ lực là: điện thoại thông minh, máy tính bảng; sản phẩm may; phụ tùng vận tải; giấy và các sản phẩm từ giấy; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu... Theo dự báo của Sở Công Thương, EVFTA có hiệu lực sẽ góp phần đưa giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7%/năm, trong giai đoạn 2020-2025.

Dệt may là một trong những ngành hàng sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU) và sau 7 năm sẽ xóa tới 99,2% dòng thuế. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG thông tin: Việc thực hiện EVFTA tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các DN. Khi được giảm thuế xuất khẩu sẽ giúp chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm mà giá thành không đổi, thậm chí còn có thể hạ giá thành sản phẩm và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn… Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Phú Bình) cho biết: Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển các đơn hàng về nước ta sản xuất, điều này sẽ mở ra cơ hội cho các DN may ký kết được các đơn hàng xuất khẩu mới.  

Các sản phẩm chè của tỉnh đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU.

Cùng với sản phẩm may thì các loại nông sản cũng là mặt hàng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Theo đó, sản phẩm chế biến từ chè đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mỗi năm, HTX xuất khẩu từ 2-3 tấn chè sang các nước Mỹ và Canada. Mặc dù số lượng chè xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng giá trị sản phẩm tăng từ 30-50% so với chè tiêu thụ trong nước. Chúng tôi đang rất quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. 

Chủ động vượt qua thách thức.

Mặc dù có cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên, các DN sẽ gặp khó khăn bởi quy tắc xuất xứ nguyên liệu trong Hiệp định EVFTA. Nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được tỷ lệ hàm lượng nội địa nhất định (nguyên liệu xuất xứ từ EU hoặc Việt Nam). Ông Vũ Xuân Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương nhận định: Đây là thách thức lớn đối với các DN may trên địa bàn tỉnh, bởi hiện nay có tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhà máy phụ trợ (sản xuất cúc, mex, xốp, chỉ dây, khóa kéo, sợi...) trong lĩnh vực này.

Ngoài quy tắc xuất xứ hàng hóa thì các DN của tỉnh còn phải đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, môi trường... Trăn trở về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX Chè Tân Hương nói: Đây quả thực là khó khăn lớn đối với các DN, HTX trong sản xuất nông nghiệp nói chung. Đơn cử như việc ghi chép nhật ký sản xuất chè an toàn tại HTX chúng tôi, không phải hộ thành viên nào cũng duy trì và thực hiện nghiêm túc được. Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã phải hủy 10 hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với 10 hộ thành viên bởi lý do không tuân thủ các bước trong quy trình canh tác, sản xuất chè an toàn. 

Ngoài những thách thức nêu trên, hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn về khả năng sử dụng tiếng Anh để tìm kiếm thông tin, thương thảo với đối tác ở thị trường EU. Đáng nói, phần lớn DN còn e ngại vì cho rằng sẽ mất nhiều thời gian bởi tính phức tạp của Hiệp định... Về vấn đề này, hiện Sở Công Thương đang lên kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung của EVFTA, phổ biến các chính sách liên quan đến Hiệp định tới các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN; xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của tỉnh vào các nước EU. Bên cạnh sự hỗ trợ này, các DN cần chủ động nắm bắt thông tin; tăng cường đầu tư về nhân lực và máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng nguyên liệu nội địa hoặc có xuất xứ từ EU…