Sau một thời gian dài cống hiến, nhiều người đến tuổi được nghỉ hưu để tận hưởng cuộc sống an nhàn. Nhưng cũng có người nghỉ hưu mà không nghỉ việc. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một người như thế.
Nuôi dưỡng đam mê
Ông Nguyễn Trọng Bằng sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân ở Thái Nguyên, học Khoa Chế tạo máy khóa 10 (niên khóa 1974-1979) Trường Đại học cơ điện Bắc Thái, nay là Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên). Ngay từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường, sinh viên Nguyễn Trọng Bằng đã khát khao áp dụng kiến thức được học vào thực tế. Năm 1981, anh vào làm việc ở Nhà máy Cơ khí mỏ Bắc Thái, tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc, học tập làm việc với các chuyên gia nước ngoài và các thợ bậc cao lành nghề, môi trường này đã nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Bởi thế, là kỹ sư trẻ nhưng có nhiều thành tích đáng nể trong công tác kỹ thuật cơ điện, thiết kế và chế tạo sản phẩm mới của Nhà máy. Năm 1986 ông vinh dự được đón nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều phần thưởng của các cấp Tổng Công ty, Công ty.
Năm 1993, ông chuyển về công tác tại Xưởng cán thép, Nhà máy Diesel Sông Công. Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, ông đã nghiên cứu tài liệu thiết kế lỗ hình trục cán, máy cán thép, lò nung phôi liên tục. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã làm chủ về công nghệ cán thép: Thiết kế lò nung phôi thép liên tục, thiết kế hệ thống lỗ hình trục cán thép gai Ø19 từ phôi thép 90x90 cung cấp cho việc xây dựng đường dây 500KVvà các loại thép cán khác phục vụ sản xuất thép cán của đơn vị. Nhà máy Diesel Sông Công là “mảnh đất” thứ hai đã cho ông cơ hội thử nghiệm sự đam mê nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến công nghệ và thiết bị sản xuất thép cán và đưa ông trở thành một chuyên gia thiết kế, chuyển giao công nghệ cán thép tròn, thép hình cho các doanh nghiệp sản xuất thép ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh.
Năm 1995, với vai trò chuyên gia thiết kế và chuyển giao công nghệ thép, ông được điều chuyển về Hà Nội công tác tại Viện Kỹ thuật Cơ kim khí Hà Nội. Trong thời gian này, ông tham gia nhiều lĩnh vực từ thiết kế, chế tạo và chuyển giao công nghệ về thiết bị công nghiệp phục vụ cho ngành mỏ, luyện kim và khai thác khoáng sản, xử lý khí thải công nghiệp, chế biến nông sản… Ông luôn trau dồi kiến thức, chịu khó học tập không chỉ trên lý thuyết mà còn cả trên thực tế, tiếp tục cùng cộng sự say mê sáng tạo. Năm 2001, không phụ lòng những con người cống hiến cho khoa học công nghệ, anh cùng nhóm cộng sự của Viện Kỹ thuật Cơ kim khí Hà Nội đoạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) với sản phẩm là “Máy tuyển từ ướt dùng nam châm điện điều chỉnh vô cấp tuyển quặng Manhetic (Fe3O4” phục vụ cho Xí nghiệp Liên doanh đồng Lào Cai, tiền thân của Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai hiện nay.
Đến năm 2007, ông chuyển về Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội với chức danh Trưởng phòng Nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Làm quản lý nhưng ông vẫn tham gia rất nhiều đề tài, dự án của Sở, niềm đam mê khoa học công nghệ của ông luôn tỏa sáng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Năm 2010, một lần nữa ông và nhóm cộng sự Sở Khoa học và Công nghệ đã vinh dự nhận Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) với sản phẩm “Hệ thống thiết bị sấy gỗ chân không gián đoạn (VACON)” dùng cho các làng nghề chế biến gỗ tại Việt Nam. Sau đó anh về Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao cöng nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cuối năm 2017, ông đến tuổi nghỉ hưu.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, với lòng nhiệt huyết và đam mê khoa học công nghệ, ông vẫn tham gia công nghiên cứu với chức danh: Phó Viện trưởng Viïån Phát triển Công nghệ và Giáo dục, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Rồi cơ duyên đến với ông, vào tháng 10/2018, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, Trưởng Phòng thí nghiệm Plasma thuộc Trường Đại học Năng lượng Matxcova (Cộng hòa Liên bang Nga) lần đầu tiên đưa công nghệ Plasma vào ứng dụng và phát triển tại Việt Nam. Ông lại bước vào chinh phục và khám phá công nghệ mới, chính thức tham gia Nhóm R&D Plasma do Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ lãnh đạo, trong đó ông giữ vai trò chủ chốt nghiên cứu thiết kế cơ khí, mẫu mã kiểu dáng công nghiệp, chế tạo và lắp ráp các thiết bị sử dụng công nghệ Plasma tại Việt Nam.
Hệ thống khử khuẩn công nghệ plasma do Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, Thạc sĩ Nguyễn Trong Bằng và nhóm nghiên cứu thiết kế và chế tạo là công nghệ mới dùng các nguồn plasma lạnh, tạo ra lượng lớn ion âm có tác dụng rất tốt để diệt virus và vi khuẩn trên người và trang thiết bị. Nó có thể giúp chống lây nhiễm trong cộng đồng và diệt coronavirus trong đại dịch COVID-19 hiện nay. |
Cuối tháng 4/2019, nhóm chính thức bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế và chế tạo đầu Plasma nhiệt có công suất 400KW điện áp 10KV. Sau gần 2 tháng làm việc cùng với Giáo sư Sỹ và nhóm, ông đã trực tiếp thiết kế và hiệu chỉnh không dưới 5, 6 lần mới đưa ra những bản vẽ chế tạo đầu Plasma 400KW với hơn 200 chi tiết được chế tạo ở 7 công ty cơ khí tại Hà Nội. Niềm đam mê luôn được đền bù xứng đáng, sau 4 tháng kể từ khi bắt đầu thiết kế và chế tạo ngày 22/8/2019 lần đầu tiên, đầu Plasma 400KW đã chính thức được thắp sáng bằng trí tuệ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, anh và nhóm nghiên cứu đã chính thức ghi tên Tổ quốc mình vào quốc gia thứ 4 làm chủ công nghệ Plasma trên thế giới! Hiện nay, công nghệ Plasma xử lý rác thải sinh hoạt tạo ra điện năng và xử lý chất thải nguy hại đang được nhóm nghiên cứu hoàn thiện, thử nghiệm để nhanh chóng đưa ra thực tế.
Tháng 1/2020, dịch COVID - 19 bùng phát, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ định hướng toàn nhóm nghiên cứu công nghệ Plasma lạnh dùng để diệt khuẩn, góp phần dập dịch và chống lây nhiễm chéo Coronavirus. Sau 1 tháng, nhóm đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công hệ thống khử khuẩn thí nghiệm dung tích 15 lít. Từ thành công này, nhóm đã thiết kế và chế tạo hệ thống khử khuẩn cho người với dung tích 1.300 lít. Sau hơn 2 tháng làm việc, ngày 20/4/2020, lần đầu tiên trên thế giới hệ thống khử khuẩn bề mặt bằng công nghệ Plasma lạnh đã thử nghiệm thành công tại Việt Nam.
Các nhà khoa học Nga đánh giá, phát minh này có tính chất đột phá về ứng dụng công nghệ Plasma lạnh tác dụng diệt khuẩn bề mặt cho người và đồ vật trên diện rộng, không có hóa chất, trong nhiệt độ môi trường không những sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19, mà còn đem lại nhiều ứng dụng thiết thực hiệu quả cho kinh tế - xã hội và đời sống con người trên toàn thế giới.