Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Võ Nhai đạt gần 262 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị này ước đạt 119 tỷ đồng, dù chỉ bằng 39,7% kế hoạch năm nhưng tăng 19% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy, CN-TTCN của Võ Nhai có sự tăng trưởng rõ nét.
Có được kết quả trên trước hết là do nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) may mới được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện có trên 5 DN, HTX chuyên may gia công quần áo, túi đựng thực phẩm xuất khẩu sang các nước Mỹ, châu Âu… Bà Ngô Thị Mai, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường (thị trấn Đình Cả) cho hay: HTX chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 với 2 ngành nghề chính là thu gom - xử lý rác thải sinh hoạt và gia công may quần áo phục vụ thị trường trong nước. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 12 tỷ đồng, góp phần quyết việc làm ổn định cho 40 người lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các đơn vị may có quy mô nhỏ hoạt động từ cuối năm 2019, tháng 4 vừa qua, trên địa bàn huyện còn có sự xuất hiện của Chi nhánh TNG Võ Nhai với quy mô diện tích 10ha. Trong giai đoạn 1, đơn vị đã đầu tư 9/16 dây chuyền may, cùng với các hạng mục như nhà ăn ca, văn phòng, nhà để xe... với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.
Bên cạnh các DN, HTX may, hiện trên địa bàn Võ Nhai còn có trên 450 DN, HTX hộ gia đình hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác - chế biến khoáng sản, băm, bóc gỗ… giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương. Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi (trụ sở ở T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ năm 2016, Công ty đã xin chủ trương đầu tư, xây dựng một nhà máy khai thác đá tại mỏ đá Trúc Mai với quy mô trên 3ha. Trung bình mỗi năm, sản lượng đá khai thác tại đây đạt 40.000m3 đá (bằng 95% công suất thiết kế), phục vụ chủ yếu cho các công trình làm đường giao thông, xây dựng nhà và sản xuất gạch trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Huyện đã xây dựng các đề án phát triển CN-TTCN; lập quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp Cây Bòng ở xã La Hiên giai đoạn 1 (15,1ha) và cụm công nghiệp Trúc Mai ở xã Lâu Thượng (27,7ha). Đến nay, cụm công nghiệp Cây Bòng do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG làm chủ đầu tư hạ tầng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng Nhà máy TNG Võ Nhai và chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 4 vừa qua; còn cụm công nghiệp Trúc Mai hiện đã thu hút được 5 dự án đầu tư hoạt động sản xuất công nghiệp. Điều này mở ra những cơ hội phát triển CN-TTCN của huyện thời gian tới.
Tuy đã có những khởi sắc nhưng nhìn chung, lĩnh vực CN-TTCN ở Võ Nhai vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai phân tích: Là huyện vùng cao nên xuất phát điểm về điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, khó thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn. Còn các DN đang hoạt động trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên chưa có điều kiện đầu tư về công nghệ sản xuất hiện đại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm thiết yếu; phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) triển khai các đề án khuyến công nhằm hỗ trợ các DN trên địa bàn từng bước chuyển giao công nghệ và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; tạo mọi kiện, hỗ trợ các DN trong thực hiện các thủ tục hành chính, công tác bồi thường - hỗ trợ giải phóng mặt bằng…