Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (DN) dân doanh. Đây là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của một địa phương qua từng năm.
Nhằm cải thiện thứ bậc xếp hạng và nâng cao chỉ số PCI, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những quyết tâm, đổi mới, sáng tạo và có các giải pháp đột phá trong điều hành, chỉ đạo. Đặc biệt, năm 2019, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo báo cáo tại Lễ công bố xếp hạng chỉ số PCI năm 2019, Thái Nguyên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố với 67,71 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2018. Kết quả này đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư trong năm 2019.
Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của doanh nghiệp, doanh nhân, thời gian qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng với các hội, hiệp hội khác đã tập hợp được các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, chung tay với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Hiệp hội đã tập hợp vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, phản ánh và giám sát việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, tham gia xây dựng chính sách pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuyên truyền tới hội viên những việc làm tốt, cách làm hay, những công việc giải quyết hiệu quả của chính quyền cho doanh nghiệp, đồng thời phát hiện và kiến nghị xử lý những hành vi chưa tốt, cách xử lý công việc của cán bộ công chức gây bức xúc cho doanh nghiệp, qua đó, chất lượng điều hành của chính quyền các cấp ngày càng tốt hơn. Điểm số 10 chỉ tiêu thành phần trong Bộ điểm số PCI năm 2019 chính là sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên về chất lượng điều hành của UBND các cấp, của từng sở, ngành, của từng cán bộ công chức thực thi công vụ liên quan đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng của bức tranh PCI năm 2019, chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Việc cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án còn nhiều bất cập… Để Thái Nguyên trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo PCI sớm ban hành bộ chỉ số DDCI - Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Hiện nay, toàn quốc đã có 36 tỉnh, thành tiến hành khảo sát DDCI. Các tỉnh thuộc top 5, top 10 cơ bản đều đã tiến hành đánh giá cấp sở, ngành, địa phương theo bộ chỉ số DDCI từ một số năm nay và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ nhiều năm để cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ số PCI. Dữ liệu PCI đã cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, những cái được, chưa được trong năng lực điều hành và môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Tuy nhiên, PCI là chỉ số đánh giá ở cấp độ toàn quốc. Cần phải có 1 bộ chỉ số cụ thể hóa đến từng sở, ngành, địa phương để qua đó duy trì động lực cải cách cho toàn bộ hệ thống các cơ quan Nhà nước. Rất cần phải “chuyển hóa” trách nhiệm từ tỉnh (PCI) sang các sở, ngành, địa phương cấp huyện (DDCI).
Hai là, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo PCI cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp giám sát, đánh giá sở ngành nào làm tốt nhất, kém nhất. Ngoài ra, đến nay một số sở vẫn chưa tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo Nghị quyết 09 do hoạt động hội họp thời gian qua bị tạm dừng, đề nghị các sở này bố trí thời gian đối thoại với doanh nghiệp.
Ba là, tăng kinh phí cho công tác truyền thông PCI. Thực tế cho thấy hoạt động của chính quyền có chuyển biến nhưng chưa thật sự lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp, nhiều hoạt động có tác động lớn trong giải quyết hiệu quả các vướng mắc của doanh nghiệp nhưng chưa được cộng đồng doanh nghiệp biết đến một cách đầy đủ, kịp thời. Điều này khiến cho đánh giá của doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có lúc, có nơi còn chưa chính xác, khách quan.
Bốn là, đề nghị UBND tỉnh tăng kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tại thời điểm này, doanh nghiệp đang rất cần tư vấn pháp luật để giải quyết những khó khăn do dịch bệnh, như làm thế nào để thụ hưởng chính sách hỗ trợ, giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp kinh tế… Doanh nghiệp rất cần có sự tư vấn pháp luật để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kinh doanh chuyên nghiệp, phát triển bền vững. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh cho phép Hiệp hội làm đầu mối, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành trong tỉnh thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm là, đề nghị các Hiệp hội, các Hội doanh nghiệp trong toàn tỉnh giúp Ban Chỉ đạo PCI tỉnh giám sát việc thực thi các sở, ban ngành, huyện thành cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan chức năng của tỉnh và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án giải pháp quản trị chuỗi cung ứng đạt hiệu quả trong những năm tới.
Sáu là, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; tăng cường tìm kiếm các dự án để đầu tư mở rộng sản xuất và nhất là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đón đầu làn sóng đầu tư mới vào tỉnh góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và để đạt được mục tiêu kế hoạch nhà nước giao.