Những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Đại Từ đã nỗ lực thu hút thêm nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào hoạt động tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Tháng 3-2011, Công ty CP Xi măng Quán Triều (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin) là DN đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất tại CCN An Khánh 1, xã An Khánh (Đại Từ), với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao công suất chế biến để phục vụ thị trường.
Hiện nay, sản lượng tiêu thụ xi măng của Công ty đạt bình quân trên 750 nghìn tấn/năm; doanh thu đạt trên 650 tỷ/năm; đóng góp vào Ngân sách Nhà nước trên 20 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 350 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng…
Ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều cho biết: Lý do mà Công ty chọn địa bàn huyện Đại Từ để đầu tư xây dựng nhà máy là nơi đây có nguồn nguyên liệu đá vôi phong phú, lực lượng lao động dồi dào và hạ tầng giao thông thuận lợi… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư và gần 10 năm hoạt động tại đây, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện.
Xuất xưởng sản phẩm xi măng tại Công ty CP Xi măng Quán Triều, nằm trong Cụm công nghiệp An Khánh 1, xã An Khánh (Đại Từ).
Nhận thấy cơ hội phát triển khi đầu tư vào các CCN ở huyện Đại Từ, cuối năm 2011, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh đã đầu tư xây dựng Nhà máy tại CCN An Khánh 1 với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng. Cuối năm 2013, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng đầu tư nhà máy sản xuất với quy mô 35 chuyền may, tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng tại CCN Phú Lạc 2, xã Tiên Hội. Hiện nay, các DN này đều đã đi vào hoạt động và phát triển ổn định.
Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 4 CCN đã được quy hoạch với tổng diện tích 214ha, gồm: An Khánh 1, Phú Lạc 1; Phú Lạc 2 và Hà Thượng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: Các CCN đều được quy hoạch bảo đảm phát huy lợi thế về giao thông, nguồn nhân lực và phân bố theo vùng để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường hoạt động giới thiệu tiềm năng, lợi thế của các CCN, xúc tiến thu hút đầu tư, UBND huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng của huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư yên tâm “rót vốn” sớm thực hiện các dự án…
Với việc triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đến nay, 2/4 CCN của huyện Đại Từ đã có nhà đầu tư triển khai dự án là CCN An Khánh 1 và CCN Phú Lạc 2 với 3 DN đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 5.800 tỷ đồng. Theo thống kê, năm 2019, giá trị sản xuất của các DN trong CCN của huyện Đại Từ đạt trên 3.000 tỷ đồng; nộp Ngân sách Nhà nước gần 80 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 2.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6-7,5 triệu đồng/người/tháng…
Đối với 2 CCN còn lại, cuối năm 2019, CCN Hà Thượng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương). Hiện nay, đơn vị này đang tích cực triển khai các thủ tục để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Được biết, mặc dù chưa hoàn thiện hạ tầng nhưng hiện nay, CCN Hà Thượng đã có 3 nhà đầu tư đăng ký lập dự án, gồm: Dự án sản xuất vật liệu xây dựng và sản sản xuất cao lanh; dự án khu chế biến luyện kim; dự án chế biến xuất khẩu gỗ. Theo kế hoạch, cuối năm 2021, sau khi CCN Hà Thượng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các dự án trên sẽ chính thức được triển khai. Đối với CCN Phú Lạc 1, mặc dù đã có 2 DN đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 371 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có nhà đầu tư hạ tầng nên các dự án này chưa thể triển khai.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của các DN trong các CCN đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào các CCN hiện vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng và tiềm năng, thế mạnh của huyện. Số lượng dự án lớn đầu tư vào các CCN chưa nhiều, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp còn thấp, nguyên nhân là do vẫn còn CCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc dẫn đến tiến độ đầu tư của DN bị chậm...
Để các CCN thực sự là nhân tố thúc đẩy ngành công nghiệp của huyện phát triển, thời gian tới, huyện Đại Từ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều chỉnh quy hoạch; xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhất là hệ thống giao thông kết nối với CCN và đường nội bộ trong CCN; tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào CCN, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn, sử dụng nhiều lao động và không gây ô nhiễm môi trường…