Theo đánh giá của giới chuyên môn, thị trường thép ngày càng bão hòa do tình trạng cung vượt quá cầu và sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp. Đứng trước khó khăn đó, Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đã không ngừng đổi mới, tìm hướng phát triển sang sản xuất thép hình. Nhờ đó, Công ty duy trì ổn định đà tăng trưởng và bảo đảm công ăn việc làm cho trên 300 người lao động.
Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Nhà máy chia sẻ: Hai năm qua, Nhà máy đã chuyển hướng chính từ sản xuất thép xây dựng sang thép hình, cụ thể là thép góc mác SS540 phục vụ cho lĩnh vực xây lắp điện. Đây là sản phẩm thép phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan nên trong nước chưa có nhiều đơn vị sản xuất được. Vì thế là cơ hội cho Nhà máy mở rộng thị trường trong bối cảnh thép xây dựng ngày càng bão hòa. Tuy nhiên, để có thể sản xuất thành công sản phẩm này là thách thức lớn đối với Công ty bởi chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất lên đến hàng tỷ đồng.
Trước bài toán chi phí của dây chuyền sản xuất, ông Hoàng Đức Cường, Trưởng phòng Kế hoạch của Nhà máy cho hay, từ cuối năm 2018, tôi lúc đó đang là Giám đốc Phân xưởng sản xuất đã cùng Ban Giám đốc và các kỹ sư, “cây” sáng kiến lao động của Nhà máy ngồi lại với nhau để tự thiết kế, chế tạo ra hệ thống QTB (hệ thống máy làm nguội sơ bộ) – dây chuyền then chốt sản xuất ra mác thép SS540. Theo đó, Nhà máy dựa hoàn toàn vào hệ thống gia công cơ khí sẵn có để chế tạo ra hệ thống nước, khí nén làm nguội thép một cách cưỡng bước. Sau hơn nửa năm nghiên cứu, đến tháng 6-2019, hệ thống QTB đã được Nhà máy chế tạo thành công với phí chỉ khoảng 500 triệu đồng, trong khi giá bán hệ thống máy làm nguội sơ bộ trên thị trường dao động khoảng 10 tỷ đồng.
Cùng với nghiên cứu, chế tạo công nghệ sản xuất mác thép SS540, Nhà máy còn tận dụng nguồn phôi thép sẵn có trong nước thay vì sử dụng phôi nhập khẩu để tiết kiệm chi phí sản xuất (từ 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tấn sản phẩm). Cũng trong năm 2019, Nhà máy tiếp tục cải tạo hệ thống sàn nguội - hoạt động từ hệ thống xe cóc kéo chuyển sang thanh kéo kết hợp hệ thống con lăn, xích gạt giúp thép thành phẩm được tách rời nhau thay vì xếp thành chồng. Từ đó sản phẩm thép được nguội một cách đồng đều và được trực tiếp vào máy nắn, tinh chỉnh giúp giảm chi phí sản xuất trung gian.
Nhờ mạnh dạn chuyển hướng tập trung chính sang sản xuất thép hình, từ năm 2019 đến nay, sản lượng thép cán của Nhà máy duy trì ổn định từ 100-125 nghìn tấn/năm. Trong đó, thép hình chiếm từ 80-90% sản lượng. Từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng thép cán của Nhà máy đạt gần 70 nghìn tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2019; doanh thu ước đạt gần 693 tỷ đồng. Nhà máy cũng bảo đảm việc làm cho trên 300 người lao động. Chị Nguyễn Thu Thảo, công nhân điều hành lò nung của phân xưởng sản xuất phấn khởi: Chúng tôi cảm thấy rất yên tâm gắn bó với đơn vị bởi việc làm và thu nhập được đảm bảo. Trong quý II/2020, thu nhập của người lao động trong Phân xưởng đạt bình quân 9,3 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 1,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ thêm về kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, ông Đoàn Mạnh Hà cho hay: Song song với duy trì sản xuất dòng sản phẩm thép góc lớn mác SS540, Nhà máy tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đối với sản phẩm thép hình góc nhỏ từ 40-65. Hiện tại, Nhà máy đã nghiên cứu chuyển đổi thành công việc cán thép góc nhỏ từ dây chuyền cán thép thủ công sang tuyến cán liên tục. Qua đó sản phẩm được nâng cao về kỹ thuật và tăng năng suất lên 150 tấn thép/ca (gấp hơn 2 lần so với dây chuyền cán thủ công). Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu sản xuất thép hình theo tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản để phục vụ cho các lĩnh vực xây lắp nhà xưởng và cầu đường...