Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu (GTXK) toàn tỉnh ước đạt 14,2 tỷ USD, bằng 48,1% kế hoạch năm, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, ngành chức năng nhận định không dễ để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hàng hóa năm 2020.
Sở dĩ từ đầu năm đến nay GTXK toàn tỉnh giảm mạnh là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng 97,9% tổng GTXK) chỉ đạt gần 14 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều sản phẩm chủ lực như điện thoại thông minh giảm 43,8% về lượng so với cùng kỳ; máy tính bảng giảm 10,4%.
Chị Đặng Thùy Linh, Kế toán trưởng của Công ty TNHH Young Jin Hi-tech Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy) - đơn vị chuyên sản xuất phụ kiện camera điện thoại xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc cho hay: Từ đầu năm đến nay thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty sụt giảm mạnh. Vì thế, công suất của nhà máy chỉ đạt 40% so với thiết kế. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 đã khiến cho sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh. Thêm vào đó, các chuyên gia người nước ngoài chưa thể sang Công ty để làm việc khiến cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Tương tự đối với Công ty TNHH JuKwang Precisione Vina, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Công ty phải cho NLĐ làm việc theo hình thức luân phiên và chi trả 70% lương cơ bản. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Công ty đang nỗ lực tìm kiếm các khách hàng mới, nghiên cứu, sản xuất các mô-đen mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh ở mức cao nhất.
Dịch COVID-19 cũng tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Cụ thể là các DN xuất khẩu may; phụ tùng vận tải; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu... Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Phú Bình) - đơn vị chuyên may gia công áo Jaket xuất khẩu sang các nước Mỹ, Anh, Canada... chia sẻ: Nếu như trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ nhất, DN gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên phụ liệu sản xuất thì bước vào làn sóng thứ hai này, khó khăn của chúng tôi lại là thị trường tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, doanh thu sản xuất của Công ty giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giải pháp của các DN hiện nay chủ yếu tập trung vào việc duy trì sản xuất cầm chừng để giữ chân NLĐ, đồng thời tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu... Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 thì khả năng để hoàn thành chỉ tiêu GTXK đạt 29,5 tỷ USD vào năm 2020 là rất khó khi từ nay đến cuối năm, GTXK toàn tỉnh phải đạt được 3,06 tỷ USD/tháng (tăng 10% so với bình quân các tháng đầu năm).
Hiện nay, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng các DN, Sở Công Thương đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, kể từ ngày 1-8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ góp phần mở ra cơ hội giúp các DN trên địa bàn tỉnh phục hồi giá trị xuất khẩu. Thời gian qua, Sở đã lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho các DN về các nội dung liên quan đến Hiệp định; đồng thời xin ý kiến của các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện nội dung các chương trình hỗ trợ DN trong tiếp cận Hiệp định trên để gia tăng GTXK của tỉnh.
Song song với giải pháp của tỉnh, thì các ngành và chính quyền địa phương cũng cần tích cực vào cuộc hỗ trợ các DN trong việc khôi phục sản xuất - kinh doanh; các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư, mở rộng dự án; tổ chức đối thoại trực tuyến để lắng nghe, chung tay tháo gỡ những khó khăn mà các DN đang gặp phải...