Xác định thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp và Năng lượng (Sở Công Thương): Toàn tỉnh hiện có 35 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 1.259ha. Trong đó, 15 CCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 485ha. 15 CCN này hiện cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) thuê đất để hoạt động sản xuất, đạt tỷ lệ lấp đầy từ 50-80%.
T.P Sông Công được đánh giá là địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát trển các CCN khi có tới 3/4 CCN đã thu hút được có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế (T.P Sông Công) chia sẻ: Trước đây, các CCN Khuynh Thạch, Nguyên Gon chưa có nhà đầu tư hạ tầng thì chỉ có vài DN đến thuê đất hoạt động, mặc dù vào thời điểm đó nhu cầu thuê đất sản xuất của DN rất lớn. Nguyên nhân là do các DN rất ngại việc thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản (đường giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất...). Vì thế, kể từ khi 2 CCN nói trên có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã tạo nên “sức hút” cho các DN khác.
Theo đó, đến nay, tỷ lệ lấp đầy các dự án sản xuất trong CCN Khuynh Thạch và Nguyên Gon đã tăng lên tương ứng là 40% và 100%. Đáng nói, chủ đầu tư CCN Nguyên Gon là Công ty TNHH Doosun Việt Nam đang đề nghị Thành phố cho mở rộng quy hoạch CCN thêm 20ha. Còn CCN Bá Xuyên mặc dù Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thương mại Minh Tuân (chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật) mới đang tiến hành thực hiện giải phóng mặt bằng, thế nhưng đã có rất nhiều các DN đến đăng ký xin đầu tư vào hoạt động sản xuất tại CCN.
Tương tự đối với huyện Đại Từ hiện cũng có 2/4 CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật là CCN An Khánh 1 và Phú Lạc 2, đạt tỷ lệ 50%. Các CCN này đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Còn đối với T.X Phổ Yên, hiện nay mới chỉ có CCN số 3 cảng Đa Phúc có Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật là Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ quốc tế ICT. Tuy nhiên, CCN này đã thu hút tới 15 DN vào hoạt động, đạt lệ lấp đầy trên 80%.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Quản lý CCN số 3, cảng Đa Phúc cho biết: Sau gần 7 năm đầu tư với tổng kinh phí 85 tỷ đồng, CCN đã có hạ tầng đồng bộ hiện đại với nhiều DN thuê sản xuất. Hiện nay, Công ty cũng đang đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng CCN số 2, cảng Đa Phúc với quy mô 30ha để mở rộng CCN số 3.
Việc thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các CCN nói trên xuất phát từ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất phải kể đến là sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được hoàn thiện và bài bản hơn. Trách nhiệm quản lý Nhà nước được quy định rõ ràng hơn, các điều kiện về thu hút DN vào kinh doanh hạ tầng, hoạt động sản xuất trong CCN cũng cụ thể hơn so với trước.
Có thể thấy, thời gian qua, nhiều CCN trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, tuy nhiên hiện vẫn còn trên 20 CCN chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng mặc dù đã có quy hoạch chi tiết. Thời gian tới, để phát triển các CCN, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp như: xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN nhất là trong thực hiện nhiệm vụ đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng; các cơ chế, chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất cho DN; cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương liên quan đồng hành hỗ trợ DN...