Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã triển khai nhiều giải pháp về số hóa dịch vụ điện năng phục vụ khách hàng như ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Để giúp các khách hàng sớm tiếp cận dịch vụ điện khi có nhu cầu sử dụng, từ cuối năm 2019 đến nay, PC Thái Nguyên đã triển khai ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử. Ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh điện năng của Công ty cho biết: Từ khi triển khai ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử thì khách hàng không cần phải trực tiếp đến chi nhánh điện để làm các thủ tục đăng ký hợp đồng mà có thể đăng ký ngay trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với ứng dụng đăng ký cấp điện.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hợp đồng mua bán điện của khách hàng được ký theo phương thức điện tử chiếm 95% tổng số hợp đồng. Nhờ đó, thời gian cấp điện cho khách hàng mới được rút ngắn chỉ từ 3-5 ngày so với trước đây. Bà Lê Thị Nga là khách hàng ở Xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) tỏ vẻ hài lòng: Việc ký hợp đồng mua bán điện qua phương thức điện tử rất tiện lợi và không quá phức tạp vì được nhân viên ngành Điện hướng dẫn chi tiết. Nếu khách hàng thiếu loại giấy tờ nào thì sẽ được yêu cầu bổ sung bằng việc chụp ảnh và gửi qua mạng để hoàn thiện. Vì thế, tiết kiệm được thời gian, chi phí và rút ngắn thời ký hợp đồng mua bán điện.
Ngoài ký hợp đồng mua bán điện qua phương thức điện tử, thì PC Thái Nguyên cũng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng. Cụ thể, PC Thái Nguyên đã liên kết với 8 tổ chức trung gian (Viettel, ECPay,Vnpay, VNPT, Zalopay...) thanh toán qua các ví điện tử; liên kết với 9 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank...) thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng. Để triển khai hiệu quả dịch vụ này, thời gian qua, ngành Điện đã phối hợp với các đơn vị ngân hàng, tổ chức trung gian tổ chức hoạt động tuyên truyền, mở tài khoản miễn phí cho các đối tượng như học sinh, sinh viên, công chức, viên chức và người dân ở huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng đạt 70%, vượt 20% so với kế hoạch năm. Ông Phạm Văn Hoàng, khách hàng ở xã Đồng Thịnh (huyện Định Hóa) chia sẻ: Ngày trước việc thanh toán tiền điện phải ra tận bưu điện xã nên vừa phải đi lại và mất nhiều thời gian chờ đợi. Nhưng hiện nay thì chỉ cần có điện thoại thông minh với cài đặt phần mềm Viettelpay hoặc VietinBankiPay thì có thể thanh toán bất cứ khi nào. Đặc biệt là để “kích cầu” thanh toán qua thẻ, các đơn vị còn có những chương trình khuyến mại từ 5-10%/tổng hóa đơn, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Mặc dù đã được những kết quả nhất định trong triển khai số hóa các dịch vụ điện năng, tuy nhiên khó khăn gặp phải hiện nay của ngành Điện là nhiều người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được các với dịch vụ này. Nguyên nhân là do điều kiện và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin (điện thoại thông minh, các phần mềm hỗ trợ sử dụng dịch vụ) của người dân vẫn còn hạn chế. Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành Điện sẽ duy trì các phương thức thanh toán, ký hợp đồng truyền thống (tại quầy giao dịch), đồng thời kết hợp với tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán, ký hợp đồng mua bán điện qua phương thức điện tử; đẩy nhanh tiến độ đồng bộ hóa toàn bộ dữ liệu khách hàng có từ trước năm 2019 để cập nhật, số hóa toàn bộ hợp đồng mua bán điện vào tháng 12-2021, đạt 100%.