Doanh nghiệp cần hỗ trợ để vượt khó

09:46, 06/11/2020

Khoảng 2 tháng trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm nên nhiều DN vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, cần tiếp tục được hỗ trợ để có thể hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra năm nay.  

Dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh, đồng thời cũng là ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của dịch COVID-19. Trong 10 tháng qua, tổng sản phẩm may trên địa bàn tỉnh ước đạt 60,1 triệu sản phẩm, giảm tới 13,6% so với cùng kỳ. Tìm hiểu cụ thể tại các DN may, chúng tôi thấy mặc dù hoạt động SX-KD của các đơn vị có sự tăng trưởng từ 10-15% so với các tháng trước, nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn so với trước khi có dịch.

Ông Nguyễn Viết Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Thành Hưng ở xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên đánh giá: Mặc dù dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, tuy nhiên ở các nước châu Âu vẫn diễn biến phức tạp. Vì thế, các đơn hàng xuất khẩu của Công ty tiếp tục sụt giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Công ty phải chuyển hướng sang sản xuất các đơn hàng may trong nước và một số các nước khác nhằm bảo đảm việc làm cho trên 1.000 người lao động. Còn ông Nguyễn Việt Thắng đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT Phú Bình cho hay: Tính đến hết quý III/2020, doanh thu của Công ty ước đạt trên 218 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 ở các nước trên thế giới vẫn chưa được khống chế. Vì thế, các đơn hàng may xuất khẩu cũng bị sụt giảm theo. Hiện tại, Công ty cũng đang chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm khẩu trang, ký kết các đơn hàng trong nước, phấn đấu hoàn thành từ 50-70% kế hoạch sản xuất năm 2020. 

Không riêng lĩnh vực vực may, các DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cũng gặp khó khăn và khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020. Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân ở T.P Sông Công bày tỏ nỗ lo: Công ty của chúng tôi chuyên sản xuất khuôn, gá phục vụ chế tạo chi tiết máy cho các công ty: Meinfa, Phụ tùng máy số 1, Công ty CP Xích líp Đông Anh... Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nội địa giảm đã khiến cho các đơn hàng bị ảnh hưởng. Hiện tại, Công ty đang duy trì sản xuất cầm chừng, cho công nhân làm việc theo hình thức luân phiên, giảm giờ làm thêm và chỉ phấn đấu hoàn thành kế hoạch so với cùng kỳ năm 2019. Còn đối với Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) - đơn vị chuyên sản xuất nhà thép tiền chế, bồn bể chứa xăng dầu, ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty chia sẻ: Mặc dù trong 2 tháng trở lại đây, DN đã phục hồi dần hoạt động sản xuất và tăng công suất trở lại đến 80%. Tuy nhiên, do những tháng đầu năm, các đơn hàng bị sụt giảm mạnh nên đến nay, doanh thu của Công ty mới đạt khoảng 40 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, áp lực lớn nhất đối với Công ty là xoay vốn để trả lãi ngân hàng đồng thời tăng trưởng doanh thu thêm 40 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm.  

Theo đánh giá của ngành chức năng, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SX-KD của các DN nói chung, đặc biệt là DN địa phương ở hầu hết các lĩnh vực chế biến, chế tạo, cơ khí và khai thác khoáng sản... Theo thống kê, đến hết quý III/2020, toàn tỉnh có 434 DN phải đóng mã số thuế và 360 DN ngừng hoạt động, tăng 10,9% so với số DN đăng ký mới và hoạt động trở lại. Trong số các DN này có không ít các DN địa phương. Hiện tại, các DN cũng chỉ phục hồi SX-KD được từ 50-70%. Đáng nói là các DN địa phương có liên quan đến hoạt động xuất khẩu thì việc phục hồi lại càng khó khăn hơn bởi dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, hiện nay, các DN chủ yếu vẫn duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng, chờ đợi thị trường được khởi sắc trở lại. Và để tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay, các DN mong muốn tiếp tục được miễn giảm thuế, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; đồng thời các ngành chức năng có những giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; tăng cường liên kết sản xuất, tạo cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho các DN...