Là huyện miền núi nhưng huyện Đồng Hỷ có không ít tiềm năng để phát triển công nghiệp. Đáng kể nhất là trên địa bàn huyện có nhiều loại khoáng sản và điểm mỏ đã được cấp phép khai thác, ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng cũng có thế mạnh; về vị trí địa lý thì giáp với T.P Thái Nguyên. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp của Đồng Hỷ tuy đã đạt kết quả phát triển khá nhưng mức tăng trưởng chưa cao, còn ít dự án quy mô lớn và thiếu những yếu tố có thể tạo sự bứt phá trong tương lai gần…
Đồng Hỷ là một trong những địa bàn trọng điểm về khoáng sản của tỉnh. Trên địa bàn huyện hiện có 19 mỏ sắt đã được cấp phép khai thác, 3 mỏ chì kẽm, 2 mỏ antimon, 1 mỏ vàng, 1 mỏ phôtphorit, 2 mỏ sét xi măng, 25 mỏ đá vôi, 1 mỏ đá cát kết, 2 mỏ sét gạch ngói và 7 mỏ cát sỏi (chưa kể trên địa bàn xã Linh Sơn mới được sáp nhập về T.P Thái Nguyên có nhiều điểm mỏ lớn, nhất là Mỏ sắt Tiến Bộ). Từ tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, các nhóm ngành khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có từ lâu và phát triển tương đối khá, đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện.
Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ ước đạt 2.870 tỷ đồng, trong 5 năm qua đạt mức tăng trưởng bình quân 7,9%/năm và chiếm tỷ trọng trên 50% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trên địa bàn hiện có 199 doanh nghiệp (DN), HTX đang hoạt động, tăng 18 đơn vị so với năm trước. Trong đó có trên 40 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đây cũng chính là các DN đóng góp chủ yếu vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Ngoài các DN có quy mô khá đang hoạt động trên địa bàn, như: Công ty cổ phần (CP) Luyện kim đen Thái Nguyên, Chi nhánh may TNG Nam Hòa, Công ty CP May Phú Hưng, Nhà máy Gạch Tuynel Hóa Trung, Nhà máy Gạch Tuynel Khe Mo…, huyện Đồng Hỷ còn có một đơn vị công nghiệp Trung ương đứng chân là Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn, mỗi năm đóng góp gần 1.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện.
Người lao động tại Nhà máy Gạch Tuynel Khe Mo (Đồng Hỷ) bốc xếp gạch đi tiêu thụ. Ảnh: T.Q
Nhưng nhìn tổng thể cho thấy, trong điều kiện có không ít tiềm năng, thế mạnh thì lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ vẫn chưa phát triển tương xứng. Các DN khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng phần lớn có quy mô nhỏ, dây chuyền công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm khai thác, chế biến chủ yếu vẫn ở dạng thô nên giá trị không cao, ngoại trừ Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên có nhà máy chế biến sâu khoáng sản. Ông Dương Tiến Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Số lượng DN khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn khá lớn nhưng phần nhiều có quy mô nhỏ và sản xuất cầm chừng. Có hai nguyên nhân chính khiến lĩnh vực công nghiệp của huyện, kể cả nhóm ngành nhiều tiềm năng vẫn chưa phát triển mạnh là hạ tầng giao thông trên địa bàn thiếu đồng bộ, các cụm công nghiệp được quy hoạch từ lâu nhưng chưa có hạ tầng thiết yếu.
Huyện Đồng Hỷ được quy hoạch 4 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn với tổng diện tích trên 100ha, nhưng sau nhiều năm hiện vẫn chưa có CCN nào được triển khai đầu tư hạ tầng. Do tiềm năng thu hút đầu tư kém nên các cấp, ngành chức năng đã kiến nghị tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 2 CCN tại huyện Đồng Hỷ. Lý giải thực trạng này, ông Dương Tiến Cường cho biết thêm: Nguyên nhân chính là các CCN được quy hoạch trên địa bàn chưa có hạ tầng giao thông kết nối tốt. Nhiều nhà đầu tư cũng đã đến khảo sát rồi không quay lại, hoặc có quan tâm nhưng chưa bày tỏ thiện chí. 2 tuyến Quốc lộ chạy qua huyện cơ bản đều đang bị xuống cấp và quá tải. Đây là một trong những điểm trừ khiến môi trường đầu tư phát triển công nghiệp của huyện chưa hấp dẫn.
Anh Nguyễn Văn Giang, đại diện Nhà máy Gạch Tuynel Khe Mo (tại xóm Tiền Phong, xã Khe Mo) nói: Xây dựng nhà máy tại đây, chúng tôi thuận lợi là nguồn nguyên liệu đất để sản xuất gạch sẵn có. Tuy nhiên, giao thông khó khăn, Công ty phải tự mở tuyến đường hơn 1km để hoạt động, đầu tư kinh phí lớn để xây dựng hệ thống điện riêng nên giá thành sản xuất cao…
Mặc dù kết quả đạt được chưa như kỳ vọng và còn nhiều khó khăn cần khắc phục nhưng trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Hỷ nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ vẫn đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về kinh tế. Theo đó, trong những năm tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển các nhóm ngành có lợi thế, ngoài khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng là chế biến nông, lâm sản, may mặc… Mục tiêu tăng trưởng công nghiệp của huyện trong 5 năm tới là đạt mức bình quân 8,9%/năm, đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 3.800 tỷ đồng; công nghiệp sẽ đóng góp quan trọng hơn nữa vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, mục tiêu đó, huyện Đồng Hỷ sẽ tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu từ 1 đến 2 CCN đồng thời đề xuất quy hoạch thêm CCN tại những vị trí thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đến với địa phương…