Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực vượt khó để “về đích”

08:58, 10/12/2020

Năm nay, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các ngành kinh tế. Song với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, sự năng động tìm hướng vượt khó của các doanh nghiệp (DN), giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) tuy dự ước chỉ đạt 97,5% kế hoạch năm nhưng vẫn tăng 5,4% so với năm trước. Trong gian khó, đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Năm nay, SXCN chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, GTSXCN giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (là năm duy nhất trong 10 năm trở lại đây GTSXCN 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước). Bước sang quý III, SXCN mới dần được phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại. 

Đối mặt với những khó khăn do thị trường tiêu thụ sản phẩm có sự cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, Công ty CP Xi măng Quán Triều (đứng chân trên địa bàn huyện Đại Từ) là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực để ổn định sản xuất, kinh doanh. Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty thông tin: Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm nay, bước vào quý IV, Công ty đã tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sang nhiều tỉnh, thành lân cận; nâng sản lượng xi măng lên gấp đôi so với các tháng trước để đáp ứng nhu cầu thị trường vào “mùa” xây dựng, đồng thời tăng cường quan tâm, chăm lo đời sống người lao động để tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn Công ty. Dự kiến năm nay, sản lượng xi măng tiêu thụ của Công ty đạt 800 nghìn tấn, vượt 40 nghìn tấn so với kế hoạch, doanh thu đạt khoảng 640 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng (tăng 5 tỷ đồng so với năm 2019).

Sản xuất xi măng tại Công ty CP Xi măng Quán Triều (đứng chân trên địa bàn huyện Đại Từ).

Chị Nguyễn Thị Hoa, một công nhân của Công ty chia sẻ: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ban lãnh đạo Công ty vẫn đưa ra được những hướng đi hiệu quả, nỗ lực tìm cách giải pháp duy trì hoạt động sản xuất, tạo đủ công ăn việc làm cho chúng tôi. Không những vậy, thu nhập của chúng tôi cũng còn tăng từ 7,6 triệu đồng lên 8,3 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng đã phải căng mình triển khai nhiều giải pháp để vượt khó. Tính đến đầu tháng 12, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch Công ty đề ra trong năm nay đều được hoàn thành: Tổng doanh thu đạt trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 30 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 400 tỷ đồng, ổn định việc làm cho khoảng 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng…

Ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phòng Thị trường của Công ty cho biết: Để có được kết quả này, các nhà máy, đơn vị trong Công ty đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao (như thép hình, kết cấu công trình điện); đồng thời tập trung cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng tiết kiệm chi phí (cụ thể như đẩy mạnh sản xuất phôi thép nóng, sử dụng khí thải thay thế một phần nhiên liệu nung phôi thép…). 

Cùng với các DN Trung ương, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trên địa bàn tỉnh còn có nhiều DN địa phương nỗ lực vượt khó để “về đích” đúng hẹn. Ông Nguyễn Văn Thời, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Với sự nỗ lực, thích ứng liên tục với thời cuộc, chúng tôi đã giữ vững được đà tăng trưởng trong năm nay. Những kết quả mà TNG đạt được không chỉ là hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh mà nhiều dòng sản phẩm mới đòi hỏi sự khắt khe về điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm (như khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế, bộ đồ y tế phòng dịch, đồ bảo hộ lao động…) đã được Công ty sản xuất thành công. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2021 Công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, nắm bắt thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.

Bên cạnh những DN “về đích” đúng hẹn thì cũng còn không ít DN khó hoàn chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm nay. Những DN này đa phần có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, may mặc… Ông Nguyễn Viết Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP may Thành Hưng (đứng chân trên địa bàn xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Năm 2020, các DN may bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai yếu tố bất lợi, đó là thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ “đóng băng”. Vì thế, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của Công ty trong năm nay cũng chỉ bằng 50% so với năm trước.

Tương tự, tại Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) - đơn vị chuyên sản xuất nhà thép tiền chế, bồn bể chứa xăng dầu - ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Những tháng đầu năm, các đơn hàng bị sụt giảm mạnh, nên đến nay, doanh thu của Công ty mới chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Trong tháng cuối năm này, Công ty đang phải xoay vốn để trả lãi ngân hàng, đồng thời nỗ lực phấn đấu với hy vọng sẽ đạt doanh thu bằng 60% kế hoạch năm nay…

Theo đánh giá của Sở Công Thương, khi dịch COVID-19 trên toàn cầu và các địa phương trong cả nước dần được kiểm soát, các DN đã tận dụng tối đa cơ hội này để khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị do tìm được hướng đi hiệu quả, xử lý tốt các vấn đề khủng hoảng nên đã vươn lên “về đích”. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có nhiều DN do bị ảnh hưởng nặng nề không tháo gỡ được khó khăn. Trong 11 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ, có một số sản phẩm tăng cao đó là: xi măng đạt 2,6 triệu tấn, tăng 23,9%; sắt thép các loại đạt 1,4 triệu tấn, tăng 15,6%; máy tính bảng đạt 17,7 triệu sản phẩm, tăng 8,6%...  Còn vonfram và sản phẩm của vonfram chỉ đạt 13,1 nghìn tấn, giảm 10,9%; may đạt 66,8 triệu sản phẩm, giảm 14%... Dự kiến đến hết năm nay, GTSXCN trên địa bàn tỉnh đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, tuy chỉ bằng 97,5% kế hoạch năm nhưng trong bối cảnh các DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn.