Tập trung giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Hoàng Cường 08:40, 18/10/2024

Toàn tỉnh hiện có trên 10.500 doanh nghiệp (DN). Từ đầu năm đến nay, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức (do thiếu nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng cao...) nhưng các DN đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị, công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 1.055.400 tỷ đồng.

Năm 2024, Công ty TNHH Mani Hà Nội đầu tư tăng thêm tại Nhà máy Phổ Yên 2 khoảng 30 triệu USD để phát triển sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế; máy công cụ, máy tạo hình kim loại... Ảnh: L.K
Năm 2024, Công ty TNHH Mani Hà Nội đầu tư tăng thêm tại Nhà máy Phổ Yên 2 khoảng 30 triệu USD để phát triển sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế; máy công cụ, máy tạo hình kim loại... Ảnh: L.K

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực đối với các ngành sản xuất trọng điểm như may mặc, sản phẩm điện tử.

Cụ thể, trong 9 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 711,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,4% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ.

Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển. Cùng với đó, các DN chú trọng tìm hiểu về thị trường để có giải pháp thích hợp, hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tích cực đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh...

Nhờ mở rộng lĩnh vực sản xuất mới, Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy) đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhờ mở rộng lĩnh vực sản xuất mới, Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy) đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (thuộc Tập đoàn KD, Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) - đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý nhiệt, tôi cao tần các thiết bị phụ tùng vận tải. Đứng trước nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhiệt tôi cao tần, thời gian gần đây, Công ty đã mở rộng lĩnh vực sản xuất: Gia công chi tiết máy động cơ, máy nông nghiệp, xe nâng để xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Canada...

Ông Đoàn Như Hải, Giám đốc Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên, chia sẻ: Trong vòng 5 năm trở lại đây, Công ty đã đầu tư mới hàng chục máy tiện, máy phay, máy mài CNC... với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Nhờ mở rộng lĩnh vực sản xuất mới, trung bình doanh thu của Công ty đạt 50 tỷ đồng/năm (tăng 15% so với trước đó), trong đó giá trị xuất khẩu chiếm 20%. Đơn vị đang tạo việc làm ổn định cho 90 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2024, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ mở rộng nhà xưởng thêm 3.000m2, đầu tư 4 máy tiện CNC, 2 máy mài..., với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, để nâng cao năng lực sản xuất.

Trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường trong nước và quốc tế, không chỉ các DN nhỏ và vừa mà các đơn vị, DN quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh (như điện tử, may, sắt thép...) cũng nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và cơ cấu thị trường tiêu thụ... Từ đó, nhiều đơn vị, DN đã khởi sắc và đạt kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất thép cán tại Công ty CP Cán thép Thái Trung (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Ảnh: X.H
Sản xuất thép cán tại Công ty CP Cán thép Thái Trung (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Ảnh: X.H

Đơn cử như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 9-2024 doanh thu đạt 11.000 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.745 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và sản lượng quặng sắt khai thác đạt trên 184.799 tấn (tăng 20% so với cùng kỳ). Cùng với kết quả đã đạt được, hiện nay, Ban lãnh đạo Gang thép đang tập trung đẩy mạnh công tác thị trường và tiêu thụ sản phẩm để vượt kế hoạch đã đề ra.

Sản xuất may cũng là điểm sáng của ngành công nghiệp Thái Nguyên khi phần lớn DN may đã ký kết, xác lập đơn hàng đến hết năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: Mặc dù đối mặt với khó khăn, thách thức của thị trường xuất khẩu từ cuối năm trước, song từ đầu năm 2024 đến nay, TNG đã không ngừng tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới như Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á; thực hiện tái cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh. Kết quả, TNG đã có đủ đơn hàng may sản xuất đến hết năm 2024. Hiện, 15/15 nhà máy của TNG đang hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn hàng này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên thì hiện nay vẫn còn nhiều DN sản xuất công nghiệp chưa tháo gỡ được khó khăn, cụ thể như các DN sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch...).

Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên, cho biết: Thị trường vật liệu xây dựng ảm đảm cộng với bất động sản chưa có nhiều khởi sắc khiến cho sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ của đơn vị liên tục gặp khó. Hiện nay, đơn vị đã phải tạm dừng 1 lò sản xuất, hạ giá bán sản phẩm, song sản lượng xi măng tiêu thụ vẫn không bảo đảm theo kế hoạch.

Dây chuyền đóng bao thành phẩm của Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI.
Dây chuyền đóng bao thành phẩm của Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI.

Tương tự, Công ty CP Gạch Prime Phổ Yên - chuyên sản xuất gạch ốp lát, từ đầu năm đến nay đã phải tạm dừng 2/4 dây chuyền sản xuất (sụt giảm 50% công suất thiết kế so với năm trước). Nguyên nhân là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, lượng tồn kho tăng cao. Để tồn tại trong giai đoạn này, các đơn vị, DN nói trên đang phải tìm cách thắt chặt chi phí sản xuất để hạ giá bán sản phẩm, giảm công suất hoạt động, chỉ duy trì sản xuất cầm chừng...

Ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp - năng lượng (Sở Công Thương), nhận định: Từ nay đến cuối năm tình hình trong nước và thế giới còn không ít khó khăn, tuy nhiên, Thái Nguyên vẫn quyết tâm đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,5% so với năm 2023. Theo đó, trong quý IV, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 344 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Để hoàn thành mục tiêu này, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Thực hiện hiệu quả hơn các chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại với DN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh...