Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vọt, Chính phủ lại đang mạnh tay hạ nhiệt thị trường bất động sản khiến mọi hoạt động trên thị trường gần như bị tê liệt thì đầu tư vào bất động sản công nghiệp được xem là một giải pháp thay thế an toàn...
Tuy nhiên, phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp vẫn đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Tình trạng này đã khiến hầu hết các KCN, KCX tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đang bị “vắt kiệt” với hiệu suất sử dụng gần như 100%. Trong đó, nhiều KCN đang phát triển ở giai đoạn 3, 4, thậm chí giai đoạn 5. Ngoại trừ các KCN, KCX mới thành lập hoặc đang mở rộng quy mô, còn lại đều có hệ số sử dụng đất từ 60%-100%. Tình trạng cung không đủ cầu đã khiến các tập đoàn đa quốc gia phải áp dụng phương thức “xí” chỗ trước khi khu đất được xây dựng.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng vấn đề xây dựng hạ tầng KCN, KCX đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo dự kiến, đến năm 2010, quỹ đất dành cho KCN, KCX sẽ tăng lên 65.000 ha và 80.000 ha vào năm 2020. Năm 2015, dự kiến sẽ xây dựng 113 KCN mới và cải tạo, mở rộng 27 KCN cũ. Những con số trên cho thấy việc thị trường bất động sản công nghiệp là một thị trường đầy tiềm năng. Dự báo, thị trường này sẽ sôi động trong vòng một vài năm tới. Tuy nhiên, không nên coi bất động sản công nghiệp là giải pháp kinh doanh thay thế trong một thời gian ngắn. Bởi dù đầu tư ở bất kỳ thị trường nào cũng đều đòi hỏi sự am hiểu và chuẩn bị trong một thời gian nhất định và đã gọi là đầu tư thì phải là đầu tư dài hạn. Nếu các DN có ý định đầu tư thì nên coi đây là thị trường để đầu tư mang tính chiến lược, lâu dài.