Nở rộ đầu tư vào các trạm dừng chân

09:17, 22/04/2008

Chỉ trong tháng 4, hai doanh nghiệp ngành vận tải đã lần lượt công bố dự án từ vài chục đến cả trăm trạm dừng chân. Chuỗi nhà hàng, khách sạn, bar, siêu thị này đang trở thành xu thế được các đơn vị vận tải hướng đến.

Ngày 17/4, Công ty cổ phần vận tải Mai Linh công bố kế hoạch xây dựng hơn 106 trạm dừng chân với tổng số vốn đầu tư ước tính 192 triệu USD.

Theo đó, các trạm lớn có diện tích 4 ha, kinh phí xây dựng khoảng 4 triệu USD. Những điểm dừng chân có quy mô vừa và nhỏ rộng 1,5-2 ha, chi phí xây dựng xấp xỉ 1 triệu USD.

Thống kê của Công ty Mai Linh trong năm 2005-2006, có 10% trên tổng số 4,4 triệu lượt khách đi qua và sử dụng các dịch vụ tại những trạm dừng chân của tập đoàn này. Dự kiến, lượng khách tiềm năng trong tương lai có thể lên đến 14%, tăng tỷ lệ thuận với tổng số hành khách đường bộ bằng ôtô.

Cũng nhảy vào thị trường mới mẻ này, đầu tháng 4, Công ty cổ phần dịch vụ công nghiệp ôtô Việt Nam - AAA Logistics tuyên bố đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng xây 38 trạm dừng chân trải dài theo các tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam. Dự án này sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay.

Cụ thể, trong giai đoạn 1, từ 2008 đến 2010, doanh nghiệp này sẽ có 11 trạm được xây dựng, vốn đầu tư khoảng 10.440 tỷ đồng. Khoảng cách giữa các trạm là 180 km. Trung bình cứ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ xe chạy sẽ có 1 trạm nghỉ. Đến giai đoạn 2 của dự án sẽ có 27 trạm được xây dựng, vốn đầu tư 10.300 tỷ đồng. Dự kiến mỗi điểm dừng này sẽ có diện tích khoảng 30 ha.

Mặc dù đầu tư đến hàng chục nghìn tỷ đồng vào dự án nhưng đại diện Công ty AAA & Vinamotor cho hay, trong 5-7 năm đầu sẽ chấp nhận không có doanh thu một số trạm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại kỳ vọng vào việc đón đầu tiềm năng phát triển lâu dài của công nghệ dịch vụ ăn theo kinh doanh đường bộ.

Thậm chí, các tập đoàn vận tải còn liên kết với doanh nghiệp địa phương xây dựng nhiều cụm công nghiệp dịch vụ. Ngoài siêu thị, nhà hàng, quán bar, bệnh viện, dịch vụ ngân hàng, loại hình dịch vụ này còn có cả bãi đáp trực thăng cứu hộ, bảo hiểm, y tế, khu vui chơi giải trí...

Điều đáng chú ý là, hiện nay, nhiều thành phố lớn có tiềm năng khu du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng dọc theo những tuyến đường bộ liên tỉnh đều bị "cháy" khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng vào những dịp lễ Tết.

Giới kinh doanh vận tải khẳng định rằng, chỉ cần thu về trung bình 8-10% thị phần này đã là một kênh đầu tư lý tưởng về công nghệ kinh doanh đường bộ.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cơ sở hạ tầng giao thông nói chung của Việt Nam còn yếu. Các dịch vụ đường sắt, hàng không, đường biển và đặc biệt là đường bộ đều chưa phát triển. Vì thế, đưa dịch vụ đa dạng của các trạm dừng chân vào hoạt động sẽ giảm thiểu ách tắc và làm thay đổi căn bản bộ mặt giao thông đường bộ, đặc biệt là ôtô.

Nhận định về thị trường tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cho rằng, đây cũng là một hình thức đầu tư gián tiếp vào bất động sản dưới dạng dịch vụ ăn uống, mua sắm và giải trí dọc theo tuyến đường bộ.

Thông qua các trạm dừng chân, tận dụng nhu cầu của hành khách di chuyển bằng ôtô, xe khách, giá trị của bất động sản đã chuyển hóa từ dạng đất thô bị bỏ trống, lãng phí thành hệ thống dịch vụ sinh lợi nhuận.

Ngoài ra, giới kinh doanh còn lạc quan tin tưởng rằng, du lịch phát triển, kéo theo nhu cầu đi lại tăng cao, nếu các trạm dừng chân đáp ứng được thị hiếu của hành khách, về lâu dài có thể cạnh tranh với những chuỗi nhà hàng, khách sạn và trung tâm giải trí chuyên nghiệp khác.