Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 123 sân gôn chiếm tổng diện tích khoảng 38.445 héc ta, trong đó diện tích dành cho chơi gôn khoảng 27.000 héc ta (chiếm 70%).
Thủ tướng yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại việc quy hoạch sân gôn, đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất các dự án đã được cấp phép hoạt động và báo cáo kết quả trong tháng 5 này.
Khu vực có số lượng sân gôn nhiều nhất là khu vực Nam Trung bộ với 27 sân, kế đến là khu vực đồng bằng Bắc bộ với 25 sân, các tỉnh miền núi phía Bắc 11 sân, khu vực Tây Nguyên 11 sân, Bắc Trung bộ 7 sân, khu vực Tây Nam bộ có 6 sân...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc, hiện vẫn còn một vài địa phương vẫn chưa có báo cáo số lượng, diện tích sân gôn tại địa phương gởi về bộ để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Hiện cả nước có trên 5.000 thành viên câu lạc bộ chơi gôn, trong đó chỉ có khoảng 2.000 người chơi thường xuyên.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, để chăm sóc mặt sân gôn đạt tiêu chuẩn, theo định kỳ một lượng hóa chất khá lớn phải đổ xuống để trừ sâu bệnh, nấm mốc cho các thảm cỏ.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trên mỗi héc ta sân gôn người ta phải sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất/năm, tức là gấp khoảng ba lần so với một khu canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Hóa chất đổ xuống trôi theo đường dẫn của nước tưới, nước mưa và hòa tan xuống tầng nước ngầm.
Các chất độc hại này là căn nguyên của khá nhiều căn bệnh hiểm nghèo, cũng như làm mất đi sự đa dạng sinh học.
Một sân gôn 36 lỗ tiêu thụ mỗi ngày 10.000m3 nước. Để phục vụ nhu cầu này, các máy bơm công suất lớn được huy động làm việc tối đa cả ngày lẫn đêm, gây ra tình trạng tụt giảm nước ngầm ở các khu vực liền kề.