Mở cửa, tránh gió lùa

10:18, 11/05/2008

Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam đã được khơi thông mạnh mẽ. Tuy nhiên việc kiểm soát FII đang là vấn đề đau đầu của các cơ quan quản lý. Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ thị tăng trưởng quản lý vốn đầu tư gián tiếp và các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ nhằm bảo đảm ổn định tiền tệ và an toàn cho hệ thống tài chính.

Trong bối cảnh TTCK đang đi xuống, giá hàng loạt cổ phiếu xuống dốc không phanh, một vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là có hay không những giao dịch thao túng thị trường ? Mới đây, một quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã phát hiện được những giao dịch ghìm giá cổ phiếu của các tổ chức lớn, đặc biệt là có bàn tay của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Nhiều nhà đầu tư lâu năm cho rằng một số “đại gia” đã tận dụng những đợt sóng liên tục của những thông tin xấu như giá vàng, dầu thế giới liên tục tăng kỷ lục, lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ, kinh tế Mỹ suy thoái, TTCK toàn cầu tụt dốc... để ghìm giá cổ phiếu xuống mức thấp bất ngờ, làm cho hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ lớn, bán tháo cổ phiếu và bây giờ là thời điểm họ âm thầm và từ từ mua vào.


FII dòng vốn linh hoạt nhưng dễ đảo chiều

Trong 2 năm lại đây, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam đã được khơi thông mạnh mẽ, tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn vốn FII đang là vấn đề “đau đầu” của các cơ quan quản lý. Một số chuyên gia kinh tế nhận xét: FII đang ở trạng thái “chân không”, có nhiều luật cùng tham gia điều chỉnh nhưng ở những góc độ khác nhau chứ không có luật điều chỉnh một cách chính thức. Do đó, không thể có số liệu thống kê cụ thể tổng lượng vốn gián tiếp các quỹ đầu tư đã đưa vào Việt Nam bao nhiêu, chỉ ước đoán được khoảng 5-7 tỷ USD vào năm 2007. Nếu theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, con số này ước đạt khoảng 6 tỷ USD nhưng theo UBCKNN, chỉ khoảng 4 tỷ USD năm 2007. Trao đổi với báo chí, một quan chức của UBCKNN cho biết: “Con số thực về giá trị vốn đã rót vào UBCKNN khó có thể nắm bắt được chính xác. Mặc dù Ủy ban có thể nắm được quy mô các quỹ đầu tư tại Việt Nam, nhưng mức vốn họ đầu tư cụ thể thì chưa chắc đã tương đương quy mô vốn của quỹ.

FII được xem là nguồn vốn quan trọng, trực tiếp thúc đẩy TTCK và tạo ra sự hấp dẫn của cổ phiếu DN. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của nó tới nền kinh tế lại rất lớn, không chỉ dừng ở khả năng mua bán, sáp nhập, thôn tính DN, tăng hoạt động đầu cơ mà có thể gây đổ vỡ thị trường tài chính nếu nhà đầu tư đồng loạt rút vốn. Đây là dòng vốn năng động nhất, linh hoạt nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất vì dễ đảo chiều. Hiện tại, cả hai cơ quan được xem là có chức năng quản lý nguồn vốn FII là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều khẳng định chưa có dấu hiệu xấu, song nhiều chuyên gia kinh tế đã lấy dẫn chứng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu để cảnh báo về khả năng mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và vấn đề thiếu chặt chẽ trong việc quản lý luồng vốn gián tiếp là một trong những nguyên nhân có thể gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Luồng vốn phải chảy vào đúng mạch

Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu tư thu hút vốn, do đó chúng ta không thể đặt vấn đề khống chế lên hàng đầu mà phải quản lý theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho nguồn vốn này chảy vào đúng mạch, đúng chỗ, đúng nơi mình muốn. Đây là công việc rất quan trọng và cấp bách hiện nay.

Một sự kiện thời sự rất đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư gián tiếp và các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ nhằm bảo đảm ổn định tiền tệ và an toàn cho hệ thống tài chính. Thực hiện chỉ thị này, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện chế độ mở tài khoản với hoạt động đầu tư gián tiếp và chế độ báo cáo lưu chuyển vốn trên các tài khoản này. Cơ quan này cũng sẽ xây dựng chế độ thu thập, báo cáo, cung cấp thông tin về nguồn vốn vay nợ trung, ngắn hạn bằng ngoại tệ và đầu tư gián tiếp; có biện pháp quản lý các khoản vay nợ của DN. Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này đang khẩn trương sửa đổi quy chế góp vốn và mua cổ phần của NĐTNN trong các DN Việt Nam, về tỷ lệ tham gia của nước ngoài vào TTCK theo hướng quy định rõ việc tham gia của NĐTNN trong các DN cổ phần hóa và việc nắm giữ cổ phần của các công ty niêm yết, công ty đại chúng trên TTCK. Bộ Tài chính cũng đã hoàn tất việc trình Thủ tướng quy định về việc cho phép chi nhánh công ty quản lý quỹ chứng khoán 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để quản lý các quỹ này; ban hành quy định về các văn phòng đại diện các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam theo hướng không được kinh doanh và không được ủy quyền hoạt động đầu tư chứng khoán qua cá nhân. Có thể nói đây là việc thực hiện sớm và đi trước của Việt Nam so với cam kết lộ trình sau 5 năm gia nhập WTO mới thực hiện điều này. Với việc nới lỏng cơ chế quản lý và hoạt động này, các công ty và quỹ đầu tư nước ngoài có cơ hội để mở rộng hoạt động và đáp ứng các yêu cầu về quản lý nguồn vốn, các DN và quỹ đầu tư sẽ rõ ràng minh bạch hơn việc thực hiện các báo cáo tài chính cũng như các hoạt động đầu tư; qua đó giúp Chính phủ và cơ quan quản lý quản lý tốt và hiệu quả hơn nguồn vốn chủ yếu từ các DN và quỹ đầu tư nước ngoài. Khi quy định này được thực hiện thì tình hình giám sát theo dõi các luồng vốn sẽ được bảo đảm; trên cơ sở đó sẽ thực hiện tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu về dự báo đầu tư, luồng tiền ra vào, đặc biệt là luồng vốn đầu tư gián tiếp.