Các ngân hàng Việt Nam hiện chủ yếu kinh doanh tín dụng, nguồn thu lợi nhuận chính cũng từ việc huy động vốn và cho vay. Những biến động của thị trường tiền tệ vừa qua cho thấy, việc chỉ đứng trên một chân tín dụng sẽ có rất nhiều rủi ro; từ trong khó khăn này, các ngân hàng đã chú ý tập trung mạnh hơn cho phát triển dịch vụ để có thể đứng vững trên cả ''hai chân''. Điều này, cũng rất phù hợp với xu thế phát triển của thị trường vốn Việt Nam.
Rất nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần năng động bên cạnh kinh doanh tín dụng truyền thống đã và đang chọn cho mình một hướng phát triển dịch vụ đặc thù. Nếu như Đông Á tập trung mũi nhọn vào thẻ; Techcombank nỗ lực để khẳng định mình đi đầu trong Internet banking... thì các ngân hàng mới cũng có những hướng đi đặc thù, hướng trực tiếp vào những nhóm khách hàng cá nhân nhiều tiềm năng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã chào thị trường một loạt các sản phẩm dịch vụ mới như: sản phẩm cho vay du học YOUstudy là giải pháp tài chính cho phụ huynh có con em có kế hoạch đi du học với mức cho vay tối đa 100% học phí và sinh hoạt phí. Một sản phẩm khá đặc biệt là YOUmoney cho phép khi khách hàng vay tín chấp sẽ được tặng kèm bảo hiểm.
Một dịch vụ khác của ABBank đang được nhiều ngân hàng mong muốn triển khai là YOUautopay. Dịch vụ này cho phép thanh toán tự động các loại tiền điện trong nước. Theo đó, hàng tháng ABBANK sẽ tự động trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng để chuyển cho đơn vị nhận tiền theo hợp đồng được ký kết giữa ABBANK và khách hàng.
Trong khi đó, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã liên kết thành công hệ thống máy ATM của mình với hệ thống ATM quốc tế của HSBC nhằm mang đến sự tiện lợi cao cho các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Cũng ngay trong tháng 5, Techcombank đã triển khai thành công dịch vụ thu tiền vé máy bay của Pacific Airlines qua internet banking và tin nhắn điện thoại di động. Với việc này, Techcombank và Pacific Airlines là những đơn vị đầu tiên hoàn tất thanh toán tiền vé máy bay qua hệ thống ngân hàng, cho phép mọi khách hàng mua vé may bay có thể thanh toán qua 3 kênh: chi nhánh giao dịch của ngân hàng, qua internet banking và tin nhắn điện thoại di động.
Trong một nỗ lực khác, Techcombank cũng đã phát triển chức năng thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ cho các nhà cung cấp qua dịch vụ internet banking. Khách hàng sử dụng dịch vụ F@st i-Bank có thể thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ bằng các giao dịch chuyển khoản qua internet.
Không muốn là người chậm chân, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã triển khai dịch vụ mới SMS Banking nâng cao tiện ích cho thẻ E-Partner. SMS Banking giúp các chủ thẻ quản lý, tra cứu tài khoản của mình một cách thuận tiện. Cùng với dịch vụ VnTopup nạp tiền đối với các thuê bao trả trước qua SMS đã được triển khai thành công từ cuối năm 2007, dịch vụ SMS Banking, chủ thẻ E-Partner của VietinBank chỉ cần một chiếc điện thoại di động là có thể thực hiện các giao dịch mong muốn như: Tra cứu số dư tài khoản thẻ, vấn tin sao kê giao dịch gần nhất, tra cứu tỷ giá, lãi suất, … dù đang ở bất kỳ đâu, bất kể thời gian nào.
Đầu tư cho tương lai
Trong bản kế hoạch tham gia kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam có một điểm nhỏ rất đáng chú ý là: đẩy mạnh phát triển các loại dịch vụ. Đây được xem là một cách để tăng thu, tạo ra sự phát triển bền vững và ổn định cho hệ thống.
Ông Trần Bắc Hà cho biết, mảng dịch vụ được ngân hàng này rất quan tâm phát triển. Ngân hàng đã hình thành một bộ phận chuyên trách để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm. Khu vực dịch vụ trong những năm gần đây có mức phát triển rất cao. Tuy nhiên, trong năm nay BIDV sẽ yêu cầu có mức phát triển cao hơn, khoảng 40%.
Ông Đàm Thế Thái - Chuyên gia về dịch vụ ngân hàng của ABBank cho biết, việc triển khai các dịch vụ không chỉ hỗ trợ thêm cho người gửi tiền trong các giao dịch mà còn giúp khách hàng có cảm giác an toàn, sự phục vụ chu đáo. Một trong những thị trường thanh toán mà cả ABBank và các ngân hàng đang hướng tới hiện nay chính là dịch vụ thanh toán tự động mở rộng đến tất cả các loại phí mà một hộ gia đình phải thanh toán hàng tháng như: tiền điện, tiền nước, tiền truyền hình cáp, tiền dịch vụ internet, bảo hiểm... các loại phí phải trả định kỳ, cố định hoặc theo mức tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ một mặt nhằm mang đến sự tiện lợi và khả năng tiếp cận cao cho khách hàng. Mặt khác sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới trong tương lai. Vì thế, các ngân hàng sẽ đầu tư mạnh cho hướng này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để phát triển các dịch vụ một cách chuyên nghiệp và tiện ích, các ngân hàng sẽ phải đầu tư nhiều cho một nền tảng công nghệ hiện đại khá tốn kém. Ông Đàm Thế Thái cho biết, tất cả các dịch vụ trên của ABBANK được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như hệ thống ngân hàng lõi Corebanking T24. Tuy nhiên, để phát triển một dịch vụ cụ thể phải đầu tư rất tốn kém và đó là những khoản đầu tư kỳ vọng trong tương lai vì hầu hết các dịch vụ hiện nay đều miễn phí.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm nữa là công tác an toàn bảo mật cho khách hàng khi thực hiện các dịch vụ, và hầu hết các công nghệ này đều được nhập khẩu khá tốn kém trong khi hầu hết dịch vụ đều miễn phí. Rõ ràng, các ngân hàng đã chấp nhận đầu tư dài hạn cho cơ hội của tương lai.