Theo các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam đã sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đúng mục tiêu và hiệu quả. Tuy nhiên, nhận diện những khó khăn, bất cập trong quá trình giải ngân nguồn vốn này luôn là vấn đề thời sự.
4 tháng đầu năm, tổng số vốn ODA đã ký thông qua các Hiệp định cho Việt Nam vay đạt hơn 1,26 tỷ USD. Nguồn vốn này vẫn chủ yếu phục vụ các chương trình kinh tế-xã hội quan trọng. Có thể nêu một số khoản vay ODA có giá trị lớn mới được ký kết, như các dự án: Xây dựng đường Vành đai 3 Hà Nội (trị giá 245 triệu USD); cải thiện môi trường nước thành phố Huế (182 triệu USD); xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn TP Hồ Chí Minh đi Dầu Giây (150 triệu USD)... Phần lớn các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng hạ tầng cơ sở đã và đang hình thành đều có sự đóng góp từ nguồn vốn này, như quốc lộ 1, 5, 18, cảng Hải Phòng; cầu Cần Thơ, Bãi Cháy... Các địa phương, khu vực có hoặc chịu ảnh hưởng tích cực từ dự án đều có thêm cơ hội để khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, có thêm điều kiện thuận lợi cho hội nhập.
Kết quả giải ngân vốn ODA 4 tháng đầu năm mới đạt 343 triệu USD, bằng 18% kế hoạch cả năm 2008. Nhìn chung, việc thực hiện dự án và giải ngân vẫn còn nhiều khó khăn, do vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư; chậm trễ trong đấu thầu, thi công; tác động từ các vấn đề xã hội... Đơn cử, trong 4 tháng đầu năm nay, riêng các dự án do Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) quản lý và có sử dụng vốn nước ngoài, mới giải ngân được 500 tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch. Tình hình ở các ngành, địa phương khác cũng tương tự. Chưa kể ảnh hưởng của lạm phát và yêu cầu điều chỉnh những dự án chưa thật cần thiết, hoặc thiếu khả năng duy trì tiến độ. Hiện cả nước có hơn 5.000 dự án đang phải điều chỉnh về nội dung, tiến độ, tổng mức đầu tư, trong đó dự án thuộc nhóm A chiếm khoảng 23%. Việc chậm giải ngân còn có nguyên nhân chủ quan từ các cơ quan quản lý, rất cần khắc phục, như trình độ, năng lực của chủ đầu tư yếu kém; đơn vị tư vấn còn hạn chế về năng lực hoặc không làm hết trách nhiệm...
Dồn sức cho những dự án quan trọng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát các dự án để xác định dự án nào thuộc diện đình hoãn, điều chỉnh; đồng thời xác định những dự án cần tăng tốc đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, nhằm sớm đưa vào hoạt động, nhất là các dự án trọng điểm. Đây là yêu cầu cấp thiết để thực hiện mục tiêu mỗi đồng vốn sớm phát huy hiệu quả, tạo sản phẩm cho xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ứng vốn trước trên 2.700 tỷ đồng cho các dự án cấp bách năm 2008 thuộc Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT nhằm thúc đẩy việc triển khai. Về phía các bộ, ngành cũng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GTVT chỉ đạo chặt chẽ công tác phê duyệt, điều chỉnh dự án, tranh thủ hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu, thanh toán; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, nhất là việc đền bù, GPMB, điều chỉnh giá. Bộ chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.
Hà Nội cũng khẳng định ưu tiên đặc biệt cho các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ GPMB với các dự án giao thông trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan, nhà thầu tập trung sức để hoàn thành sớm một số dự án lớn, như đường Vành đai 3, cầu Thanh Trì, đường 32... Thành phố cũng cho phép các quận, huyện linh hoạt trong vận dụng cơ chế, chính sách theo hướng có lợi nhất đối với người dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Thu hút được nhiều vốn ODA là một việc khó, nhưng giải ngân luôn là thách thức cần vượt qua, vì thế cần có sự hợp sức, vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý dự án, nhà thầu...