Ngay trong đợt 1 phiên giao dịch sáng 25/6, đa số các cổ phiếu tiếp tục tăng giá kịch trần phiên thứ 3 liên tiếp. Dư mua kín đặc, trong khi dư bán trống trơn ở các mã cổ phiếu blue-chips trong bối cảnh một số định chế tài chính nước ngoài đẩy mạnh mua vào những cổ phiếu đầu ngành này.
Trong tổng số 156 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, trong đợt 1 đã có 94 mã tăng giá (đa số tăng trần), 15 mã đang tạm thời đứng ở mức giá tham chiếu, 7 mã chưa có giao dịch và chỉ có 41 mã giảm giá.
Sau một loạt các báo cáo nhìn nhận lại tích cực hơn về tình hình kinh tế Việt Nam, cùng với các chỉ số cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008 vừa được công bố và được đánh giá là vẫn rất tốt, khá nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu chủ chốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một trường hợp điển hình là Ngân hàng ANZ vừa vừa đăng ký mua thêm 6.833.400 cổ phiếu SSI từ 26/6 để nâng tỷ lệ nắm giữ ở doanh nghiệp này lên 18,89%.
Vừa mới trước đó (ngày 23/6), ngân hàng này đã mua xong 3.416.700 cổ phiếu nâng số cổ phiếu nắm giữ từ 15.566.800 cổ phiếu (chiếm 11,39% vốn điều lệ) lên 18.983.500 cổ phiếu (chiếm 13,89% vốn điều lệ).
Cũng mới hôm qua (24/6), Daiwa Securities Group Inc đã đăng ký mua 11.684.880 cổ phiếu SSI từ ngày 25/06/2008 đến 29/08/2008. Nếu giao dịch thành công, thì Daiwa Securities Group Inc sẽ nắm giữ 18.000.000 cổ phiếu (chiếm 13,17% vốn điều lệ).
Kết thúc đợt 1, cổ phiếu SSI tăng 800 đồng (+2,8%) lên mức giá kịch trần là 29.400 đồng/cp.
Rất nhiều cổ phiếu blue-chips khác cũng tăng hết biên độ cho phép như: STB của Sacombank, BMP của Nhựa Bình Minh, DHG của Dược Hậu Giang, DPM của Đạm Phú Mỹ, GMD của Gemadept, HPG của Hoà Phát, PET của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Petrosetco…
Bước sang đợt 2, số lượng cổ phiếu tăng giá tiếp tục gia tăng. Chỉ số VN-Index tăng mạnh hơn ở mức 7,5 điểm (tương đương tăng 1,99%) lên 383,47 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch (kết thúc đợt 3), chỉ số VN-Index tăng 7,81 điểm (tương đương 2,07%) lên 383,78 điểm với gần 7,2 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng thôgn qua khớp lệnh, trị giá 183,6 tỷ đồng.
Nếu tính cả khối lượng thoả thuận thì tổng khối lượng giao dịch là hơn 9,3 triệu đơn vị, giá trị là 342,769 tỷ đồng.
Trong tổng số 152 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết, thống kê cho thấy có 127 mã tăng giá, 8 mã giữ giá tham chiếu, 1 mã không có giao dịch và chỉ còn 20 mã giảm giá.
Mã cổ phiếu không có giao dịch vẫn là BTC của CTCP Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu, BTC tiếp tục thể hiện tính thanh khoản kém khi từ cuối tháng 4/2008 đến nay, liên tục không có giao dịch hoặc cũng chỉ được khớp với những lô cổ phiếu nhỏ nhất.
Tốp những mã cổ phiếu có mức vốn hoá lớn trên sàn, có tầm ảnh hưởng đến kết quả giao dịch ngoại trừ VPL của Vinpearl JSC giảm sàn 3.000 đồng còn lại toàn bộ các gương mặt quen thuộc như STB của Sacombank, DPM của Đạm Phú Mỹ, VNM của Vinamilk, PVD của PV Drilling, ITA của Itaco, HPG của Hoà Phát, SSI của Chứng khoán Sài Gòn hay PPC của Nhiệt điện Phả Lại... đều tăng kịch trần với lượng dư mua giá trần ở một số mã nhóm này khá lớn, trong khi lượng đặt bán đã được khớp hết.
Mã tăng giá mạnh nhất phiên này là DHG của Dược Hậu Giang, tăng 4.000 đồng, sau đó là DMC của XNK Y tế Domesco với mức tăng 3.000 đồng. VIC và VNM cùng tăng 2.500 đồng. Tiếp đến là ITA, KDC, PVD, SGH đều tăng 2.000 đồng...
Nhóm giảm giá phiên này ngoài REE đã thoát ra khỏi nhóm này khi tăng nhẹ 200 đồng, các mã đáng chú ý như DQC, SJS, BBC, SC5, TTP vẫn còn giảm sàn.
Về khối lượng khớp lệnh, STB vẫn vượt trội với hơn 1,5 triệu cổ phiếu, REE đứng thứ 2 với 581.260 cp, FPT (282.020 cp), VF4 (266.390 ccq), VTO (214.650 cp), BF1 (213.740 ccq), PVT (204.930 cp). Sau đó là VSH, PPC, HAP, HPG, NTL...