Vinashin trình đề án 19.600 tỷ đồng cho tàu biển cao tốc

08:52, 30/06/2008

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa trình lên Chính phủ đề án “Xây dựng và khai thác tuyến vận tải khách và hàng hóa cao tốc Bắc - Nam trên biển”. Tổng chi phí để thực hiện đề án này lên tới hơn 19.600 tỷ đồng.

Tàu Hoa Sen có đạt hiệu quả về kinh tế như mong đợi? Ảnh: Internet
SGGP ngày 30/6 cho biết cụ thể: Khoản vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở 3 nguồn: phát hành trái phiếu (51%), vay thương mại (trên 42%) và vốn tự có (gần 7%). Việc đầu tư cho đội tàu (6 chiếc) sẽ được hoàn tất trong 4 năm, từ cuối 2007 đến hết 2011.

Trong giai đoạn đầu, Vinashin sẽ mua tàu của các chủ tàu Italy để tận dụng lợi thế chi phí đầu tư, học hỏi kinh nghiệm quản lý khai thác tàu khách - hàng. Tiếp đó, tự đóng mới tại các nhà máy đóng tàu trong nước.

Từ cuối năm 2007, Vinashin mua 1 chiếc tàu của Italia với giá 60 triệu euro khai thác thử nghiệm trên tuyến vận tải biển Bắc - Nam với tên Hoa Sen.

Về hiệu quả của con tàu này, báo Đại Đoàn Kết ngày 17/6 cho biết: Tàu đã vận hành được 7 tháng và đang trong tình trạng lỗ nặng. Hiện tại, công suất vận hành tàu chưa đạt 50%, tính chung cho cả người và xe. Đó là chưa kể lãi suất 5% cho số vốn vay 60 triệu euro.

Báo này cũng dẫn lời ông Trần Văn Liêm - Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines), đơn vị được giao khai thác tàu Hoa Sen thừa nhận: “Bây giờ mà nói chuyện lỗ lãi của con tàu này thì cầm chắc là thất bại”.

Mới đây, 22/6, Vinashin cho biết sẽ không tham gia góp vốn đầu tư vào dự án liên doanh với Posco (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất thép tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

Cùng với khoảng trên 40 dự án khác (tổng đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng) cũng được Vinashin dừng và giãn tiến độ đầu tư, việc ngừng đầu tư vào dự án thép này này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát.