Bài học từ những nhà đầu tư Nhật

14:16, 06/07/2008

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn với đồng vốn vì những chính sách thắt chặt tiền tệ, một số doanh nghiệp Nhật Bản lớn đang kinh doanh tại Việt Nam đã chỉ ra những cách tiếp cận và xử lý đồng vốn qua những bài học thực tế.

Cuộc hội thảo lần thứ 9 do Liên đoàn Hiệp hội quản lý Nhật bản (JMA Group) và VCCI tổ chức hôm 3/7 tại Hà Nội với mục đích giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội hợp tác, liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản có lẽ là chủ đề lớn và còn bàn thảo dài.

Nhưng bài học kinh nghiệm ngay trước mắt mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nói rằng nhận được từ các nhà sản xuất tên tuổi của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam thông qua cách tiếp cận và sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất, đặc biệt trong những lúc gặp khó khăn.

Tìm vốn từ địa bàn sản xuất

Kinh nghiệm đầu tiên mà ông Shoichi Namie, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam tiết lộ là Acecook đã tận dụng nguồn vốn từ địa phương như thế nào.

Ông dẫn ra câu chuyện từ những ngày đầu Acecook đặt chân vào Việt Nam, năm 1993. Công ty đã phải trải qua giai đoạn khởi nghiệp rất gian khổ vì theo tiêu chí kinh doanh của công ty mẹ tại Nhật Bản, họ không được sự trợ giúp về vốn mà phải tự xoay xở lấy ở địa bàn mới.

Khoảng những năm 1995, khi Acecook (lúc đó còn gọi là liên doanh Vifon Acecook vì Vifon chiếm 40% cổ phần) quyết định đầu tư sản xuất sản phẩm mì ăn liền mới mang tên Hảo Hảo. Sản phẩm mới ra đời ban đầu không đáp ứng được yêu cầu thị trường, việc kinh doanh rất khó khăn vì không có vốn. Các ngân hàng Nhật Bản và Việt Nam đều từ chối việc cho vay vốn nếu không có bảo lãnh từ công ty mẹ của Acecook tại Nhật Bản.

Ông Shoichi Mamie nói rằng, công ty mẹ cũng không đồng ý bảo lãnh cho công ty ở Việt Nam vì theo quan điểm của họ, nếu làm như vậy công ty ở Nhật quyết định đầu tư cho nhanh.

May mắn là ông gặp một doanh nghiệp người Việt tại Việt Nam. Dù không kinh doanh mì ăn liền nhưng doanh nghiệp này sau khi nghe Acecook thuyết trình về dự án, đã quyết định đầu tư theo phương thức xây dựng nhà máy tại Hưng Yên, nhập về ba dây chuyền sản xuất mì ăn liền và cho công ty liên doanh Nhật thuê lại.

Với bài toán kinh doanh tại chỗ, sử dụng đồng vốn địa phương, Acecook đã tiết kiệm được chi phí vận chuyển từ nhà máy tại Tp.HCM ra Hà Nội (chi phí này thường chiếm 10% giá bán).

Sản phẩm tại địa bàn phía Bắc bán chạy khiến các nhà sản xuất vừa mừng, vừa lo vì ban đầu đây không phải là sản phẩm chiến lược của công ty, chỉ nhằm mục đích đa dạng hóa nên càng sản xuất nhiều, chi phí lớn, bán được nhiều cũng lỗ nhiều.

Tất cả các nghiên cứu cho việc tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất được lãnh đạo công ty đặt lên hàng đầu. Và nhờ vậy, sản phẩm có lời, khiến ban giám đốc công ty quyết định yêu cầu đối tác trong nước mua thêm ba dây chuyền sản xuất nữa để họ thuê lại.

Sáu năm sau, Acecook đã có 30 dây chuyền. Rồi từ một nhà máy, công ty đã phát triển thành tám nhà máy từ chính đồng vốn của người Việt (cộng thêm những cái đầu tính toán của người Nhật).

Đến năm 2003, Acecook đã đủ lực mua lại các nhà máy đã thuê. Trước đó một năm, họ cũng mua nốt 40% số vốn góp của Vifon ở đây để biến nhà máy sản xuất mì ăn liền này thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Từ không có đồng vốn ban đầu, cũng không được sự trợ giúp của ngân hàng hay tập đoàn mẹ, Acecook Việt Nam hiện tại đã đạt doanh số 4.500 tỉ đồng (năm 2007),10% trong số này thu được từ hoạt động xuất khẩu.

Ông Shoichi Namie nói rằng, hiện tại nhiều doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cũng đang tìm vốn đầu tư theo hình thức tại chỗ như vậy, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay với việc tìm đối tác nước ngoài, trước khi nghĩ cách bắt tay với chính các đồng hương của họ.

Nhắm đến lợi ích dài hạn

Tổng giám đốc Canon Việt Nam Sachio Kageyama lại kể câu chuyện về xây dựng mục tiêu dài hạn. Dù hiện tại tỷ lệ sản xuất các sản phẩm mang nhãn Canon tại Việt Nam chỉ chiếm 6% thị phần của Canon trên toàn cầu nhưng tập đoàn này cũng phải xoay xở với việc đầu tư ở Việt Nam vì những lợi ích trung và dài hạn, thay cho việc thu lợi nhanh chóng hơn nếu hướng đến các thị trường sản xuất ở Bangkok (Thái Lan) hay Quảng Châu (Trung Quốc).

Cách đầu tiên là Canon Việt Nam tính đến là phải nội địa hóa các quy trình, chi tiết kỹ thuật sản phẩm ngay tại thị trường này. “Muốn cho giá thành cạnh tranh thì thay vì đi nhập khẩu, chỉ có cách sản xuất linh kiện tại chỗ”, ông Kageyama nói.

Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm linh kiện của Canon ở Việt Nam là 37%, với 90 nhà cung cấp. Tỷ lệ này xấp xỉ với Canon ở Trung Quốc và vượt xa Canon ở Nhật (7%), hay Canon ở Malaysia (1%) (theo thông tin của doanh nghiệp Nhật Bản này thì hiện họ đang đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam với 900 triệu USD năm 2007 - PV).

Năm 2001, khi Canon vào Việt Nam, họ chỉ có 7 nhà cung cấp nội địa, đến nay là 90 và hết năm nay, con số này có thể lên đến 100.

“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư về quy trình kỹ thuật, thậm chí chỉ cách sản xuất cho các nhà sản xuất linh kiện nội địa để họ làm thuê cho chúng tôi, nhằm biến sự cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ thay bằng cạnh tranh kỹ thuật sản xuất", ông Kageyama nói.

Ông cũng lấy làm tiếc rằng cho đến nay Canon vẫn phải đi tìm đối tác trong nước, chứ chưa có doanh nghiệp nào đến yêu cầu Canon phải thuê họ trong chuỗi dây chuyền của mình.

Doanh nhân này cũng cho rằng bản thân doanh nghiệp Nhật không muốn chọn cách đầu tư theo hình thức giúp đỡ như vậy nhưng với thị trường mới như Việt Nam - với các nhà sản xuất linh kiện điện tử chưa có nhiều kinh nghiệm, thì nếu Canon không giúp họ cạnh tranh sản xuất thì doanh thu của hãng sẽ bị sút giảm do việc đi nhập hàng, thay cho sản xuất tại chỗ.

Ông muốn rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam thật sự biết tận dụng những cách đầu tư như vậy, từ kỹ thuật, quy trình, rồi thậm chí là vốn và chất xám mà người Nhật đã mang đến đây, thì vừa có lợi cả đôi bên, lại tiết kiệm được ở mức thấp nhất những gì mà chủ doanh nghiệp phải bỏ ra trên con đường giải bải toán kinh doanh và thu lợi nhuận.