VN vẫn hấp dẫn đầu tư trong năm 2009

07:56, 01/07/2008

Đầu tư kém hiệu quả, chưa có chiều sâu, quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp chỉ hoàn thành 28% kế hoạch, nhưng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, VN vẫn là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất với các tập đoàn xuyên quốc gia trong giai đoạn 2007-2009.

Theo "Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2008" do Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố sáng 1/7, môi trường kinh doanh của VN năm 2007 đã có nhiều thay đổi tích cực so với thời điểm trước đó một năm. Tuy nhiên, mức độ thay đổi ở các địa phương không đồng đều.

Các tổ chức quốc tế đánh giá, hai lĩnh vực được cải cách mạnh nhất là bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận tín dụng. VN tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư thông qua Luật Doanh nghiệp mới và Luật chứng khoán, trong đó quy định những hoạt động chính của công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư và nâng cao yêu cầu công khai thông tin của công ty, nhất là về giao dịch của các bên liên quan.

VN cũng được đánh giá là khá thuận lợi trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp, cho phép doanh nghiệp sử dụng tất cả bất động sản hiện có và sẽ có trong tương lai làm vật thế chấp.

Các tổ chức nước ngoài đánh giá cao VN ở 5 tiêu chí, gồm: Sự phát triển mạnh của các cụm nhóm trong kinh doanh, thị trường cho hàng nước ngoài, tỷ lệ tiết kiệm, sự tham gia của lao động nữ và quan hệ tiền lương - năng suất.

Những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế VN là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 170% GDP và chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn so với những năm trước. Việc tăng lương và nhiều sản phẩm dịch vụ đầu vào khiến chi phí sản xuất doanh nghiệp bị đội theo. Bên cạnh đó, quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp diễn ra chậm chạp và chỉ hoàn thành khoảng 28% kế hoạch đề ra. Trong cả năm 2007, VN mới hoàn thành cổ phần hóa được 136 doanh nghiệp, trong khi kế hoạch đề ra là 480 đơn vị.

Năm 2007, GDP của Việt Nam tăng 8,48%, cao hơn mức 8,17% của năm 2006 và là mức cao nhất trong vòng 11 năm gần đây. Tuy nhiên đây cũng là thời gian VN đối mặt với nhập siêu cao nhất trong nhiều năm qua với 14,12 tỷ USD. Theo VCCI, nhập siêu cao và chưa có giải pháp kiềm chế hiệu quả, triệt để đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ, nguồn lực đầu tư...