Các nhà đầu tư chứng khoán vừa trải qua một tuần đáng nhớ với việc biên độ dao động mới chính thức được áp dụng trên cả hai sàn. Tuy nhiên, điểm nhấn nổi bật nhất lại nằm ở sự gia tăng đột biến của cả khối lượng cũng như giá trị giao dịch.
Đáng chú ý, Vn-Index không chỉ tăng mạnh về điểm số mà còn cả tính thanh khoản và giá trị giao dịch. Lượng giao dịch khớp lệnh trung bình đạt mức kỷ lục 26,121 triệu, giá trị giao dịch tương ứng mỗi phiên là 1.019,91 tỷ đồng.
So với tuần trước, khối lượng giao dịch báo giá tăng tới 50%, giá trị giao dịch tương ứng còn đi lên mạnh hơn khi tăng 70%. Đây là tuần giao dịch thanh khoản nhất trong suốt tám năm hoạt động của thị trường chứng khoán.
Ông Lưu Quốc Yên, Phó Giám đốc Công ty Giải pháp Tài chính Sirifin, nhận định diễn biến của những ngày đầu mở biên độ là rất khả qua, cả về tính thanh khoản, giá trị giao dịch, và đặc biệt là tâm lý nhà đầu tư. Biên độ nới rộng nhưng diễn biến chung của giá cổ phiếu khá ổn định cho thấy tâm lý thị trường đã khá vững, nhà đầu tư không bị "sốc" và đã làm quen rất nhanh với mức dao động mới.
Một số người lo ngại rằng, lượng giao dịch tăng quá nhanh từ giữa tuần là dấu hiệu cho thấy có một số nhà đầu tư đang rút ra khỏi thị trường. Song ông Yên cho rằng, không có cơ sở nào cho thấy nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường, lượng giao dịch tăng chỉ là hệ quả của việc nới rộng biến độ hoặc một số nhà đầu tư tăng bán để cụ thể hóa lợi nhuận cũng như điều chỉnh lại danh mục đầu tư.
Ông Yên dự đoán, thị trường trong tuần tới sẽ có xu hướng tăng nhẹ. Trong đó, giá cổ phiếu sẽ thay đổi đáng kể ngày trong từng phiên, tạo nhiều cơ hội cho giới đầu tư lướt sóng.
Một chuyên gia khác cho biết, giai đoạn này, thị trường hơi thiếu thông tin. Lợi nhuận của các doanh nghiệp đã được công bố hết, dư âm của việc giảm giá xăng cũng như một số quy định liên quan tới ngân hàng cũng đã qua. Thế nên yếu tố tác động đến giá cổ phiếu trước mắt có thể là kế hoạch chia cổ tức, phát hành thêm hoặc các thông tin liên quan tới hoạt động riêng lẻ của từng công ty.
Xét tới yếu tố vĩ mô, CPI tháng 8 sắp được công bố sẽ cho biết sức khỏe của nền kinh tế cũng như hiệu quả của các biện pháp chống lạm phát của chính phủ. Đây sẽ là yếu tố có tác động đáng kể tới Vn-Index. Nếu CPI khả quan, tâm lý nhà đầu tư sẽ được củng cố, hoặc ngược lại tâm lý sẽ đi xuống nếu CPI đưa ra các dấu hiệu không tốt của nền kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài sau 5 phiên gần đây mua vào trung bình 3,55 triệu đơn vị, và bán ra 2,56 triệu đơn vị, thể hiện rõ động thái gom vào, trái ngược với việc mua ít bán nhiều của tuần trước. Lượng mua của khối này trong tuần thứ 4 của tháng 8 tăng gần 110%, lượng bán giảm 26,8%.
Vị chuyên gia chứng khoán trên nhận định, nhà đầu tư nước ngoài ít khi lướt sóng như các nhà đầu tư trong nước. Hoạt động giao dịch của khối ngoại thường với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư nên trong nhiều khi hoạt động giao dịch của khối này hơi trái ngược với xu hướng của thị trường. Chẳng hạn, họ tăng bán khi chứng khoán lên nhưng lại mua vào khi thị trường xuống.
Những ngày gần đây, nhà đầu tư trong nước mua bán sôi động hơn rất nhiều so với nước ngoài. Vì vậy tác động của khối ngoại tới thị trường vào thời điểm này là không quá lớn.