Để tăng cả lượng và chất

10:34, 19/08/2008

Quá trình mở cửa, hội nhập là cú hích tạo ra những thay đổi cho nền kinh tế, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Việc tăng cường hợp tác đầu tư đang và sẽ trở thành hoạt động tất yếu của nhiều DN. Những năm gần đây, DN Việt Nam đã đầu tư mạnh ra nước ngoài (ĐTRNN), thay vì chỉ có một chiều như trước là DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam...

Những kết quả đáng mừng

Trong 10 năm gần đây, các DN của Việt Nam đã vươn ra tìm hiểu thị trường và khả năng đầu tư kinh doanh tại các nước qua 317 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, quy mô vốn trung bình của một dự án đạt mức khá cao, 7,8 triệu USD/dự án và phần lớn đều được triển khai đúng tiến độ, hoạt động có hiệu quả. Đến nay, lượng vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỷ USD, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhận định là cao so với mức trung bình. Địa bàn đầu tư chủ yếu của DN Việt Nam là khu vực ASEAN, Đông Âu và châu Phi.

Việc ĐTRNN đã góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng chủ động, qua đó DN có dịp tích lũy kinh nghiệm thực tế, trưởng thành đồng thời tìm lợi nhuận cũng như thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với đối tác quốc tế. Đến nay, đã có một số dự án quy mô lớn của ta ở nước ngoài, thuộc những lĩnh vực quan trọng, có công nghệ hiện đại. Đó là dự án thăm dò dầu khí tại An-giê-ri trị giá 243 triệu USD của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; dự án tòa nhà thương mại ở Liên Bang Nga trị giá 100 triệu USD cùng một số dự án trồng cây, chế biến nông sản, may mặc tại Cam-pu-chia, U-crai-na… Đặc biệt, khoảng 50% tổng vốn ĐTRNN của Việt Nam tập trung tại Lào. Điều này cho thấy các DN đã chủ động tận dụng mối quan hệ mật thiết cũng như khoảng cách địa lý, sự gần gũi về văn hóa giữa hai nước. Phần lớn các dự án lớn đều thuộc lĩnh vực xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện nhằm khai thác tốt tiềm năng của nước bạn, như dự án Nhà máy Xekaman 3 và một số dự án khác trên sông Mê-Kông. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào các dự án thủy điện là rất đúng hướng, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Cần chủ động đầu tư

Quá trình ĐTRNN của DN Việt Nam cũng bộc lộ những tồn tại cần khắc phục. Đó là đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về chính sách, hay cơ chế đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích các DN ĐTRNN; khuôn khổ pháp lý về ĐTRNN theo hình thức gián tiếp còn chưa rõ ràng, gây hạn chế cho việc đầu tư theo hình thức này và các DN đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể. Việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ của DN chưa được nghiêm túc, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Các DN vẫn thiếu thông tin về địa bàn, đối tác tiếp nhận đầu tư, nên lúng túng, thậm chí bị mất cơ hội đầu tư…


Theo Bộ KH-ĐT, việc ĐTRNN là cần thiết, phù hợp với yêu cầu hợp tác phát triển thời kỳ đẩy mạnh hội nhập. Từ đó, các DN đều mong muốn có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên là cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, DN ĐTRNN và đại sứ quán Việt Nam ở nước tiếp nhận đầu tư. Qua đó, mỗi DN sẽ có thêm cơ hội, nhất là kịp thời nắm bắt thời cơ mới, được tiếp nhận thông tin nhanh, chính xác để nạp đủ “đầu vào” nhằm hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư-kinh doanh ở nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xác định hướng ĐTRNN một cách cụ thể hơn, trong đó tập trung đầu tư ở những thị trường truyền thống, như: Liên Bang Nga, Lào, Cam-pu-chia và từng bước mở rộng đầu tư sang các thị trường mới, trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của DN Việt Nam. DN được khuyến khích và tăng cường hỗ trợ khi đầu tư vào những dự án thuộc lĩnh vực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế quốc dân, như: Dầu khí, than, điện năng, khai thác sắt, chì, đồng… nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, tạo nguồn cung ổn định và bù đắp cho khả năng tự cung ứng trong nước. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế ĐTRNN, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành, liên doanh, liên kết giữa DN nhà nước với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đây sẽ là hướng mở, hứa hẹn nhân lên tiềm năng các nguồn trong nước.