Ngày 27-8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Chương trình giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản giai đoạn 2006 - 2010 để đánh giá toàn diện việc triển khai các dự án nghiên cứu giống nông nghiệp. Bộ trưởng Cao Ðức Phát chủ trì hội nghị.
Các địa phương cũng đã triển khai 350 dự án với tổng kinh phí dự kiến 310 tỷ đồng để cung cấp các loại giống có chất lượng phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2001 - 2008, các nhà khoa học đã hoàn thành 118 đề tài nghiên cứu giống nông nghiệp với vốn đầu tư 245 tỷ đồng tạo nên bộ giống hết sức phong phú với hàng trăm loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều trung tâm, viện nghiên cứu giống đã tạo được thương hiệu, được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu của Chương trình giống vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về giống nông nghiệp ở Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá, công tác triển khai thực hiện tại các địa phương còn chưa đồng bộ với các dự án của Trung ương, vì vậy hiệu quả của chương trình chưa được cao. Ðiều kiện để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao rất khó triển khai vì chưa có tiêu chí về khu sản xuất giống công nghệ cao.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp, tiến độ giải ngân vốn còn chậm khiến một số dự án lớn như phát triển giống gà, vịt, ngan, lợn; Trung tâm giống dê, cừu Ninh Thuận; Dự án phát triển giống mía... rất khó hoàn thành vào năm 2010. Bên cạnh đó, các dự án giống tại địa phương đầu tư chưa tương xứng, không đủ lực để tiếp sức các dự án Trung ương nhằm nhân nhanh giống phục vụ sản xuất...
Ðịnh hướng phát triển Chương trình giống nông nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Chương trình giống; ưu tiên xây dựng cơ chế để tạo động lực cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, đầu tư và nghiên cứu, sản xuất giống. Cụ thể là tạo điều kiện thương mại hóa các giống đã được công nhận bản quyền để tạo nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cũng như lợi nhuận phù hợp đối với các nhà đầu tư; tạo môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp làm ăn chân chính thu lợi chính đáng và xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp mua bán, sản xuất giống giả, kém chất lượng. Ngoài ra, Bộ tiếp tục khuyến khích việc nhập nội những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng để lai tạo nên những giống mới phù hợp điều kiện nông nghiệp Việt Nam.