Cải thiện môi trường đầu tư- Giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển

14:42, 23/09/2008

Cải thiện môi trường đầu tư là một trong những giải pháp xuyên suốt của tỉnh Thái Nguyên từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, góp phần làm chuyển biến sâu sắc toàn diện tình hình kinh tế -xã hội, tạo hình ảnh mới về một Thái Nguyên năng động và khởi sắc.

Chính vì vậy, trong hơn hai năm qua, tỉnh đã có nhiều động thái tích cực để cải thiện môi trường đầu tư như: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án bằng cơ chế "một cửa" liên thông, quy về một mối giải quyết các thủ tục đầu tư; cho nhà đầu tư được hưởng tất cả các chính sách của Chính phủ Việt Nam về ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó còn thực hiện áp dụng giá thuê đất thấp nhất. Có những dự án còn được hỗ trợ thêm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền đào tạo lao động ở địa phương, tạo điều kiện đồng bộ từ quy hoạch đến hạ tầng kỹ thuật khác; dành đất cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

 

Chị Vũ Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chưa bao giờ hoạt động cải thiện môi trường đầu tư lại nhộn nhịp như những năm gần đây. Để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào tỉnh, Thái Nguyên đã thiết kế và in ấn 1.500 cuốn Thái Nguyên- Tiềm năng và đầu tư để quảng bá; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền liên tục các cơ chế chính sách và các dự án đầu tư. Không ngừng rà soát, bổ sung, xây dựng quy trình thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư". Qua đó đã có 26 cơ chế, quy định được ban hành, tạo hành lang pháp lý về cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư được Ban chỉ đạo giải quyết nhanh xem xét, giải quyết ngay. Năm 2007, có 6/9 ý kiến đề nghị giải quyết vướng mắc tồn đọng từ năm 2006 đã được giải quyết dứt điểm. Còn 3 ý kiến chưa giải quyết được do chưa giao  đủ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Từ đầu năm 2008 đến nay, Ban chỉ đạo giải quyết nhanh của tỉnh (BCĐ) đã tích cực đôn đốc, giám sát giải quyết 7 nội dung theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Một trong những bước đột phá là cải thiện thủ tục hành chính. Các thủ tục từng bước được thực hiện công khai, minh bạch, theo hướng gọn nhẹ đưa vào một đầu mối quan hệ, đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn về mặt thời gian. Trong thời gian qua, đồng loạt các cấp, ngành ở tỉnh đều hoàn chỉnh thực hiện Đề án một cửa liên thông; tăng cường phối hợp tích cực giữa các cấp, các ngành để giải quyết các thủ tục hành chính, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân.

 

Đi đôi là hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm, đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp hoá. Năm 2007, tỉnh đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư về thương mại-du lịch vào tỉnh với 26 dự án được ký kết hợp tác, đăng ký 8.500 tỷ đồng vốn đầu tư. Từ đầu năm 2008 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc vận động đầu tư trong, ngoài tỉnh và nước ngoài; tiếp xúc với hơn 300 nhà đầu tư nước ngoài và ngoài tỉnh. Qua đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN), khu dân cư đô thị mới, khu du lịch sinh thái; các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, chế biến sâu khoáng sản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Số lượng và quy mô đầu tư của các dự án tăng cao so với cùng kỳ giai đoạn trước. Chỉ tính riêng năm 2007 và từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 128 dự án đang chuẩn bị và triển khai với số vốn đăng ký gần 48.000 tỷ đồng. Trong đó có những dự án đăng ký với số vốn lớn vài nghìn tỷ đồng như: Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo; đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án cải tạo Công ty Gang thép Thái Nguyên; Dự án khu du lịch sinh thái sân Golf Lương Sơn; Nhà máy xi măng Thái Nguyên; Dự án đầu tư của VINAXUKI; Đầu tư hạ tầng KCN Tây Phổ Yên, KCN Trung Thành...

 

Từ ngày 22-9 đến 27-9-2008, tỉnh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại tỉnh Gyeongsang Buk- Hàn Quốc, sẽ mở ra cơ hội mới thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Thái Nguyên trên nhiều lĩnh vực. Đó là chưa kể đến tốc độ phát triển của các doanh nghiệp dân doanh. Số doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm tăng cao. Đến nay đã có 1.812 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký 3.397 tỷ đồng và 20.000 hộ kinh doanh cá thể với số vốn đăng ký ước đạt 350 tỷ đồng.  Hiện, tỉnh đã và đang chỉ đạo tích cực xây dựng quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp (CCN) với quỹ đất vài nghìn ha cho thu hút dự án, gồm 8 KCN tập trung mới chỉ đạo hình thành như: KCN Trung Thành, KCN Nam Phổ Yên mở rộng 100-200 ha; KCN sinh thái Tây Phổ yên 460 ha; KCN Quốc phòng 213 ha; khu công nghệ cao và KCN vùng Tây Phổ Yên dành cho các dự án đầu tư nước ngoài khoảng 1.000 ha; KCN Điềm Thuỵ (Phú Bình) khoảng 200ha và Khu công nghệ cao T.P Thái Nguyên khoảng 200ha. Tỉnh đang tiến hành thủ tục đề nghị Chính phủ phê duyệt, đồng thời lập quy hoạch chi tiết và vận động các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN tập trung mới nay. 6 cụm công nghiệp mới đã được chấp thuận quy hoạch tại T.P Thái Nguyên ( 3CCN); Đồng Hỷ (CCN Nam Hoà); Đại Từ (CCN Phú Lạc); Phổ Yên (CCN Tân Đồng). Các CCN này đã được nhà đầu tư đăng ký lập quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng.

 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ bản công tác quy hoạch; nghiên cứu rà soát, hoàn chỉnh sửa đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách mới để tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư hợp pháp thực hiện đầu tư tại tỉnh.