Hiệu quả từ chiến lược đầu tư ra nước ngoài

10:57, 08/09/2008

Mặc dù mới chỉ có 2 doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông đầu tư ra nước ngoài, con số khá khiêm tốn so với tiềm năng, song kết quả của các dự án này đối với doanh nghiệp là rất đáng kể.

Với 2 dự án thiết lập mạng cung cấp dịch vụ VoIP và dịch vụ điện thoại di động tại Lào và Campuchia, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở nước ngoài từ năm 2006.

Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, thị trường viễn thông Campuchia tuy còn ở trình độ thấp nhưng mức độ cạnh tranh đã khá cao với sự tham gia của nhiều tập đoàn quốc tế có tiềm lực lớn về vốn và kinh nghiệm. Dù vậy, sau 1 năm cung cấp dịch vụ tại thị trường này, Viettel không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ thuê kênh hàng đầu, chiếm thị phần VoIP khá lớn mà còn đang chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông di động từ tháng 10 tới.

Cùng với việc tăng vốn đầu tư tại Campuchia từ xấp xỉ 28 triệu USD hiện nay lên 70 triệu USD thời gian tới, Viettel còn đang chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng mạng lưới tại Lào và mở văn phòng đại diện tại Myanmar.

Doanh nghiệp đồng hành với Viettel trong quá trình tiên phong chinh phục thị trường ngoại là Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software). Hiện FPT Software đã có 5 chi nhánh được thành lập tại Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ và Malaysia.

Riêng các dự án đầu tư tại Nhật Bản và Singapore, ngay sau 1 năm triển khai, đã đóng góp tới 77% doanh thu của FPT Software. Theo ông Nguyễn Lâm Phương, Phó Tổng giám đốc FPT Software, hai chi nhánh này không chỉ đóng góp doanh thu lớn mà còn mang về cho FPT Software khoảng 80% khối lượng công việc hàng năm.

FPT Software đang có kế hoạch trong hai năm tới sẽ mở thêm chi nhánh thứ 2 tại Châu Âu và mở rộng mạng lưới kinh doanh sang các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói chung đang tiếp tục diễn biến sôi động, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chính và quan tâm mở rộng địa bàn sản xuất kinh doanh tại nước ngoài.

Sau 16 năm thực hiện đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam hiện có 317 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Phương, Phó Tổng giám đốc FPT Software, khó khăn lớn nhất trong việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, là vấn đề tạo dựng thương hiệu.

Còn theo Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp rất cần được nhà nước bảo lãnh để được vay vốn tại các ngân hàng Việt Nam đang hoạt động tại nước đầu tư.