Ngày 16/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Star Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng dẫn một số hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Theo thống kê của Ban soạn thảo dự thảo, hiện nay, trong lĩnh vực hoạt động đầu tư có tới 100 vướng mắc, bất cập về thủ tục, giấy tờ của các luật, nghị định, của các bộ ngành liên quan.
Đại diện Ban soạn thảo, ông Đỗ Nhất Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói, tuy Luật Đầu tư đã đi vào thực tế được khoảng hai năm, nhưng còn quá nhiều nội dung bất cập chưa được chỉnh sửa, hoàn thiện. "Nếu tổng hợp lại thì hiện có khoảng 20 bất cập lớn, tiêu biểu cần phải sớm tháo gỡ", ông nói.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), dự thảo thông tư hướng dẫn một số hoạt động đầu tư của Ban soạn thảo đưa ra, có những phương án, nội dung chỉnh sửa còn… bất cập hơn cả thủ tục đầu tư hiện hành.
Ông Cung phân tích, các nội dung trong dự thảo chưa xác định được bản chất của những vướng mắc, bất cập hiện nay cũng như nhu cầu thiết thực của các nhà đầu tư mong đợi. Hơn nữa, theo ông, nội dung trong dự thảo được gộp và tổng hợp tới 4 luật: Xây dựng, Đầu tư, Môi trường, Đất đai, vì thế các thủ tục đầu tư trong dự thảo còn mờ ảo, mơ hồ, nhỏ lẻ, thậm chí không đầy đủ và chồng chéo.
Ông lấy ví dụ, đơn cử như nội dung về người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đã biến một vấn đề rõ ràng thành không rõ ràng; hay vấn đề xét cấp giấy đầu tư, điều kiện hoạt động đầu tư... “Với những thông tư, nội dung đầu tư mà Ban soạn thảo đưa ra để hoàn thiện, chỉnh sửa thì từ 100 vướng mắc hiện tại sẽ “đẻ” thêm thành 150 vướng mắc”, ông Cung nói.
Một chuyên gia tại hội thảo còn cho rằng, dự thảo không nên đưa vấn đề thanh lý tài sản thành nội dung trong thủ tục đầu tư, bởi thanh lý chỉ để cơ cấu lại doanh nghiệp chứ không phải vấn đề trong đầu tư, nếu đưa vào sẽ gây ra những phiền phức mới cho nhà đầu tư.
Một vấn đề lớn mà nhiều chuyên gia tham dự nêu ra, đó là dự thảo cần phải xác định hoặc có thể phân cấp lại rõ ràng, đúng chức năng, hiệu quả trong quyền hạn phân cấp đầu tư. Vì hiện nay, với quyền hạn của mình, các địa phương đã phân cấp quá nhiều, phân cấp ồ ạt các dự án đầu tư mà chưa thực sự có sự chọn lọc, đánh giá, phân tích những dự án ưu việt, hiệu quả nhất, mà điển hình như các dự án sân golf được cấp phép tràn lan vừa qua.
Vì thế, theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), cái khó khăn nhất là chọn ra được những chính sách ưu tiên, những chính sách quan trọng hàng đầu để bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện. Cụ thể, trọng tâm của chính sách mà Ban soạn thảo cũng như dự thảo nên hướng tới là: không mời gọi đầu tư bằng mọi giá, hối thúc và ép buộc các địa phương tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn khi chọn dự án đầu tư nước ngoài.