Nước ngoài vẫn đổ tiền vào chứng khoán

09:56, 04/09/2008

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tính đến đầu tháng 9/2008, trung tâm đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho trên 12.000 nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Trong đó có hơn 800 mã của NĐT tổ chức và hơn 11.000 mã của NĐT cá nhân.

Riêng trong tháng 8 vừa qua đã có thêm 35 tổ chức và hơn 220 NĐT cá nhân mở tài khoản. Điều này cho thấy dù thị trường chứng khoán sụt giảm nhưng NĐT đặc biệt là NĐT tổ chức nước ngoài vẫn tiếp tục đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.

Nhà đầu tư Mỹ tăng đột biến

Theo thống kê của Công ty CP chứng khoán SSI, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có trên 300 NĐT nước ngoài là cá nhân và 43 NĐT tổ chức mở tài khoản tại SSI. Đặc biệt, NĐT tổ chức từ Mỹ đến mở tài khoản đã tăng đột biến.

Theo một đại diện của SSI, thông thường NĐT Mỹ rất thận trọng trong việc tìm hiểu và đầu tư. Họ thường đến sau so với các NĐT nước ngoài khác. Thời gian trước họ đầu tư thông qua một tổ chức trung gian, nhưng gần đây họ đã chuyển thẳng sang mở tài khoản và đầu tư trực tiếp vì thấy được cơ hội đầu tư.

Mới đây, Quỹ Đầu tư VOF của VinaCapital cũng đã chính thức gia tăng thời gian hoạt động thêm 5 năm (2008 - 2013), sau 5 năm hoạt động thành công tại Việt Nam với lợi nhuận đạt 214% trên giá trị tài sản ròng. Quỹ này vừa tăng vốn từ 10 triệu USD ban đầu lên 870 triệu USD vào tháng 3 vừa qua. VOF tiếp tục đầu tư vào những cổ phiếu, công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Lạc quan

Ông Mark Mobius, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ Franklin Templeton (Mỹ), đơn vị vừa mở văn phòng đại diện tại TP.HCM vào cuối tháng 8/2008, cho biết “Chúng tôi đã tìm hiểu thị trường Việt Nam cách đây vài năm, đã đổ tiền vào Việt Nam năm ngoái nhưng đến nay mới chính thức đặt văn phòng đại diện, vì chúng tôi cho rằng cơ hội đã chín muồi”.

Ông Mark Mobius cho rằng NĐT cá nhân tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đầu tư chứng khoán, đây chính là tiền đề cho các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ phát triển, vì họ chính là đầu mối để tập trung vốn. Hiện Templeton có một quỹ hơn 8 tỉ USD để đưa vào thị trường Ấn Độ và trong nay mai sẽ chuyển hướng sang cho NĐT cá nhân Việt Nam.

Là đơn vị dẫn đầu trong các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng ở thời điểm xấu nhất (tháng 3/2008), Quỹ VOF của VinaCapital sụt giảm giá trị đầu tư đến mức trên dưới 40%, so với VN-Index giảm giá trị đầu tư 58%, nhưng ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, vẫn lạc quan. Thời điểm này, giá trị sụt giảm của VOF chỉ còn khoảng 30%.

Bà Đặng Thị Minh Loan, Giám đốc đầu tư của VinaCapital, cho biết giai đoạn này là cơ hội hết sức hấp dẫn để VOF sàng lọc và đầu tư vào các công ty với giá rẻ nhưng rủi ro thấp mà tiềm năng tăng trưởng, lợi nhuận kỳ vọng cao nhất.

Tuy nhiên, cần có những nhận định sáng suốt và những dự đoán xác thực để giảm thiểu rủi ro và đón trước cơ hội. “Tập đoàn VinaCapital cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài khác tin tưởng rằng thị trường Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn tạm thời trong thời điểm hiện tại”- ông Andy Ho khẳng định.