Những diễn biến trên thị trường vàng vừa qua đang đặt không ít sàn giao dịch vàng (SGDV) vào tình thế khó xử. Trong khi giá vàng trên sàn giảm mạnh thì giá vàng trên thị trường vật chất lại "đủng đỉnh" giữ giá.
Khi sàn vàng thiếu vàng!
Ngày 15/9, trong khi giá vàng trên thị trường vật chất niêm yết ở mức 16,95 - 17,05 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì giá vàng trên SGDV Sài Gòn cùng thời điểm chỉ ở mức 16,6 triệu đồng/lượng.
Đây không phải là phiên giao dịch duy nhất giá vàng trên thị trường vật chất và giá vàng giao dịch trên sàn có mức chênh lệch lớn (hơn 300.000 đồng/lượng). Diễn biến giá này khiến không ít NĐT đã rút vàng trên sàn để bán trên thị trường vật chất nhằm hưởng chênh lệch giá. Ngay lập tức, một số sàn vàng đã ra thông báo giảm hạn mức rút vàng của NĐT.
Theo quy chế hoạt động hiện nay (do mỗi sàn vàng tự đưa ra), NĐT có thể rút vàng khi có nhu cầu. Tại SGDV SJC Hà Nội (liên kết với CTCK Hà Thành và Ngân hàng VPBank), NĐT tổ chức được rút tối đa 50 lượng/khách hàng/ngày, khách hàng cá nhân được rút tối đa 20 lượng/khách hàng/ngày. Khách hàng có nhu cầu rút vượt quá hạn mức trên phải đăng ký với VPBank.
Tuy nhiên, không phải cứ yêu cầu là được, bởi ngân hàng này sẽ cân đối và quyết định việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo tình hình thực tế. Đặc biệt, hiện một số SGDV đã không công bố hạn mức rút vàng cụ thể cho NĐT khi bắt đầu ký hợp đồng giao dịch, mà mỗi ngày đưa ra một hạn mức khác nhau, phụ thuộc vào tình hình thị trường. Điều này là khá bất lợi cho NĐT, vì không chủ động trong việc đầu tư.
Mới đây nhất, SGDV ACB đã ra thông báo giảm hạn mức rút vàng xống còn 1 lượng vàng/ngày, thay vì 3 lượng vàng/ngày như trước đây. Theo giải thích của ACB, hạn mức rút tiền/vàng, chuyển khoản tiền tối đa trong ngày là số tiền và vàng tối đa mà ACB có thể đáp ứng nhu cầu rút của NĐT.
Trên thực tế, việc giao dịch vàng qua sàn là giao dịch ảo, vì người mua không nhận số lượng vàng vật chất của người bán. Việc thanh khoản vàng chỉ do đơn vị tổ chức sàn vàng đứng ra đảm bảo khi khách hàng có nhu cầu. Nếu sàn vàng do các ngân hàng tổ chức thì khả năng cung ứng vàng rất thấp.
Hiện nay, đa số sàn vàng đều liên kết với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (đơn vị mạnh về vàng miếng với thương hiệu SJC) để cung cấp vàng khi NĐT có nhu cầu rút. Tuy nhiên, do liên kết với nhiều SGDV, nên lượng vàng của SJC nhiều khi không cung ứng kịp.
Kém thanh khoản do đâu?
Nguyên nhân dẫn đến giá vàng chênh lệch như trên, theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, là do vàng giao dịch trên sàn diễn biến sát hơn với giá thế giới, trong khi đó giá vàng trên thị trường vật chất thay đổi chậm hơn.
Bên cạnh đó là nguồn cung vàng đã bị hạn chế (hiện hạn ngạch nhập khẩu đã hết, các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng), trong khi lượng cầu khá ổn định nên vàng vật chất vẫn giữ giá hoặc có giảm thì giảm không nhiều.
Một nghịch lý là trong khi giá vàng trên sàn bám khá sát giá vàng thế giới thì các đơn vị tổ chức sàn vàng lại không được nhập khẩu nên nguồn cung không tỷ lệ thuận với giá, khiến các sàn vàng phải giảm hạn mức rút vàng.
"Chúng tôi không thể mua vàng trên thị trường vật chất với giá cao để cho NĐT rút, vì như thế mỗi lượng cũng lỗ vài trăm ngàn đồng", giám đốc một SGDV nói. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng đủ thông minh để hiểu rằng, vẫn số vàng đó, nếu sàn vàng đem bán trên thị trường vật chất, thay vì cho NĐT rút, thì sàn vàng sẽ được mức chênh lệch khá lớn.
Một chuyên gia về tài chính cho biết, các sàn vàng ra đời khá nhiều, nhưng mỗi sàn vàng đều có những khiếm khuyết riêng, hạn chế khả năng phục vụ NĐT. Có sàn vàng do ngân hàng đứng ra tổ chức thì thiếu tính minh bạch, có sàn do CTCK đứng ra tổ chức không đúng với chức năng, nhiệm vụ… Đặc biệt là khả năng cung ứng vàng cho NĐT rút rất yếu, do không có sự tham gia của các công ty kinh doanh vàng.
Câu chuyện về tính thanh khoản kém của vàng trên SGDV một lần nữa lại đặt ra yêu cầu phải có quy chế quản lý của Nhà nước về hoạt động của sàn vàng nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền lợi NĐT.