VN nên chú trọng thu hút vốn FDI lĩnh vực dịch vụ

08:41, 20/09/2008

Tổng Thư ký UNCTAD Supachai Panitchpakdi dự đoán mức tăng trưởng GDP vào cuối năm 2008 của VN khoảng 6% và mức tăng trưởng này không làm suy giảm thành quả mà VN đã đạt được.

Hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước đã tham gia Diễn đàn Kinh tế VN lần thứ hai tại Hà Nội ngày 19-9 với chủ đề “Duy trì sự tăng trưởng”. Diễn đàn bàn về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cùng những giải pháp đối phó và chống lạm phát của Chính phủ VN.

Khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tốc độ lạm phát của VN đã giảm dần xuống ở mức 1,13% trong tháng 7 và mức 1,56% trong tháng 8, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 47 tỉ USD. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã tập trung ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung và dài hạn.

Các nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn đều nhận định khủng hoảng tài chính Mỹ ảnh hưởng sâu sắc đến thương mại và phát triển ở châu Á, tác động đến nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế VN. Xuất khẩu của VN chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thị trường Mỹ do Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm đến hơn 21% hàng xuất khẩu của VN từ nhiều năm nay. “Cũng giống như vài nước đang phát triển khác ở châu Á, VN đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi giá cả leo thang trong vài tháng gần đây; lạm phát tính tới tháng 8 là 28% so với cùng kỳ năm ngoái”. TS Supachai Panitchpakdi, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đưa ra những con số đã được UNCTAD kiểm chứng.

Từng là phó thủ tướng Thái Lan và rất am hiểu các nền kinh tế khu vực, TS Supachai cho rằng các biện pháp thắt chặt tiền tệ của VN đang bước đầu có kết quả nhưng không nên thi hành các biện pháp “thái quá” vì có thể gây tác động xấu đến nền kinh tế. Ông dự đoán mức tăng trưởng GDP vào cuối năm 2008 của VN ở mức 6%. “Mức tăng trưởng này không làm suy giảm thành quả mà VN đã đạt được. VN không nên có cảm giác bị thua thiệt vì các nền kinh tế cũng phải giảm GDP của họ. Cần nhất là phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá hối đoái và không quá lo về FDI vì VN hiện đang dư thừa tín dụng” - ông Supachai khẳng định.

VN phải làm thế nào để vừa tránh được “bão” vừa phát triển ổn định, bền vững? UNCTAD khuyến nghị VN nên khuyến khích thu hút vốn FDI trong các lĩnh vực dịch vụ một cách đa dạng thay vì tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu truyền thống.