Bộ Kế họach và Đầu tư (KHĐT) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xúc tiến đầu tư khu vực phía Nam với sự tham dự của gần 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, tổng công ty, doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện các tỉnh, thành từ Thừa Thiên-Huế đến Cà Mau.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong 3 năm (2006-2008), Việt Nam đã thu hút hơn 90,47 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 58% tổng vốn đầu tư đăng ký cho cả giai đoạn 1988-2008. 9 tháng đầu năm 2008, cả nước có 885 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 57 tỷ, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam (từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau) đã thu hút 609 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 43 tỷ USD, chiếm 71% cả nước.
Ông Dũng nhấn mạnh: Môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực, thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thì công tác tổ chức hoạt động XTĐT vẫn còn theo cách cũ, nặng về hình thức và thiếu cụ thể; chưa có sự phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành trung ương từ việc xây dựng chương trình XTĐT, danh mục kêu gọi dự án đầu tư, tổ chức sự kiện… dẫn đến những chồng chéo.
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm XTĐT Đà Nẵng cho rằng nội dung XTĐT vẫn còn mang nặng tính quảng bá, giới thiệu tiềm năng chứ chưa đề ra được một chiến lược XTĐT dài hạn có chiều sâu.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm XTĐT Bến Tre đưa ra 6 điểm yếu về XTĐT hiện nay: “Thẩm quyền của cơ quan XTĐT còn mờ nhạt; nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp và kỹ năng ngôn ngữ hạn chế nên giới hạn phạm vi tiếp xúc trực tiếp; kinh phí thiếu; thông tin quảng bá đơn điệu; sự phối hợp giữa cơ quan XTĐT với các sở, ngành còn khó khăn do vai trò của cơ quan XTĐT chưa được coi trọng; đặc biệt thiếu tính chủ động trong XTĐT, vẫn còn tâm trạng chờ nhà đầu tư đến thay vì tìm kiếm chào mời họ”.
Tại Hội nghị, rất nhiều đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, TP đã lo ngại khi dự án FDI vào Việt Nam không đều trên các lĩnh vực mà đa số tập trung vào các dự án bất động sản, sân golf, nhà máy thép… trong khi nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thậm chí ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm cũng ít dự án đầu tư. Điển hình như ở TPHCM, nhiều dự án lớn đều đầu tư vào bất động sản. Theo lý giải của các địa phương sở dĩ lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút được nguồn vốn FDI là do chúng ta chưa tạo được một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa đúng nghĩa.
Trong thời gian tới, để công tác XTĐT đạt hiệu quá tích cực hơn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: " Bộ KHĐT cần xây dựng định hướng và chiến lược XTĐT kịp thời để mỗi địa phương xây dựng kế hoạch phù hợp và theo đặc thù từng vùng; hoàn chỉnh pháp luật và chính sách về XTĐT, có cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các đầu mối XTĐT; tăng cường công tác đối thoại với các nhà đầu tư; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để các DN có cơ hội tiếp cận thị trường và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế."
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thì các tỉnh, TP (nhất là những tỉnh, TP thuộc vùng trọng điểm kinh tế của cả nước) cần phải có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ trong hoạt động XTĐT. Về khu kinh tế trọng điểm của miền Trung, ông Thiện đề xuất xây dựng trang web đầu tư vào miền Trung có tầm quảng bá, nội dung phong phú thu hút được nhiều nhà đầu tư trên thế giới quan tâm. Lồng ghép các chương trình XTĐT không chỉ giới hạn liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà tăng cường phối hợp với các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Hà Nội, TP.HCM…