Trong bối cảnh giá lương thực leo thang, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, các nước vùng Vịnh có xu hướng sử dụng nguồn tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ để đầu tư ra bên ngoài nhằm đảm bảo an ninh lương thực và Đông Nam Á được xem là một trong những địa chỉ hấp dẫn.
Theo trung tâm trên, các nước vùng Vịnh nhập khẩu khoảng 60% - 90% lượng lương thực phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, với tổng giá trị lên tới 10 tỷ USD/năm.
Giá lương thực thế giới hồi đầu năm đã tăng lên các mức cao kỷ lục và hiện ở mức cao gấp 3 lần so với mức trung bình của thập niên trước. Ngoài ra, dân số của khu vực có thể sẽ tăng lên 39 triệu vào năm 2010 và 58 triệu vào năm 2030 nếu xu hướng tăng dân số vẫn tiếp diễn như hiện nay.
Trước tình hình này, Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh kêu gọi các nước GCC gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Cata, Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) tăng cường quan hệ với các nước ngoài khu vực có quỹ đất dồi dào.
Tháng 9 vừa qua, hai phái đoàn cao cấp của Kuwait đã đến thăm các khu vực sản xuất lương thực ở Đông Nam Á, nhằm xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như xây dựng quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh doanh nông sản.
Trước đó, hồi tháng 8, Thủ tướng Kuwait Nasser al-Mohammed al-Ahmed al-Jaber al-Sabah đã tới Brunei, Campuchia, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo Bộ trưởng Tài chính Kuwait Mustaffa al-Shamali, tổng giá trị các thỏa thuận và nghị định thư về kinh tế thương mại trong chuyến công du này là trên 27 tỷ USD.
Tập đoàn Al-Qudra Holding của UAE cũng đang thăm dò khả năng hợp tác sản xuất gạo ở Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, Cata có nhiều dự án tham vọng hơn đối với các vùng đất nông nghiệp ở Đông Nam Á. Các khoản đầu tư lớn của Cata đang hướng tới Việt Nam.
"Thời báo vùng Vịnh" có trụ sở ở Cata hồi đầu tháng cho biết hai nước đã lập một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD, một phần của quỹ sẽ dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Ước tính 90% quỹ trên sẽ do Cơ quan đầu tư quốc gia Cata cấp.
Thủ tướng Cata al-Thani cũng đã đến Campuchia để thăm dò khả năng ký các thỏa thuận đổi công nghệ lấy quyền tiếp cận các vùng đất canh tác.