Chứng khoán đi lên, nhà đầu tư vẫn run

09:34, 19/10/2008

Vn-Index kết thúc tuần với giá trị 382,51 điểm, cao hơn tuần trước 3,45 điểm, tương đương 0,91%. Tuy nhiên, đốm sáng này quá nhỏ nhoi trong bức tranh ảm đạm, thanh khoản sụt giảm, khối ngoại tăng bán ra cả trái phiếu lẫn cổ phiếu.

Những phiên giao dịch vừa qua tiếp tục kiểm chứng sự liên thông lớn giữa chứng khoán Việt Nam và chứng khoán thế giới cũng như các thông tin liên quan tới khủng hoảng tài chính. Dù chỉ có 2 phiên tăng và giảm trong 3 phiên còn lại, Vn-Index vẫn đi lên sau tuần giao dịch vừa qua.

Lượng cổ phiếu sang tên đạt trung bình 14,02 triệu cổ phiếu một phiên, giá trị tương ứng khoảng 424,5 tỷ đồng. So với tuần giao dịch trước, tính thanh khoản đã sụt giảm 8,36%, từ đó giá trị giao dịch cũng thấp hơn 7,7%.

Bên cạnh thông tin từ thị trường chứng khoán thế giới, việc cách doanh nghiệp niêm yết dần công bố kết quả kinh doanh cũng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Đáng chú ý có kết quả khả quan của FPT, HPG, hay HAP khi đều có lợi nhuận thực tế cao hơn chỉ tiêu. Một số doanh nghiệp khác như VNM, TNA,TRC lại cho thấy tác động của khó khăn vĩ mô trong thời gian qua tới hoạt động sản xuất kinh doanh khi kết quả sau quý III chỉ gần chạm ngưỡng 70% chỉ tiêu cả năm.

Theo nhận định của Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SME, diễn biến của chứng khoán hiện khá bất thường và chưa có xu hướng ổn định. Ảnh hưởng về mặt tâm lý từ diễn biến thị trường thế giới khiến nhà đầu tư nội e dè trước quyết định mua vào, đặc biệt là những ngày giảm điểm. Mất ổn định về tâm lý còn thể hiện ở các phiên tăng điểm mạnh, cung yếu trong khi cầu quá lớn, khiến thị trường mất thanh khoản.

Công ty SME nhận định thị trường cổ phiếu các nước nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng về dài hạn sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong ngắn hạn, một số thông tin về doanh nghiệp hoặc kinh tế trong nước có thể có tác động nhất định đến giá cổ phiếu.

Khối ngoại tuần qua tiếp tục tăng cường bán ra. Tổng lượng cổ phiếu được đẩy khỏi danh mục của nhà đầu tư nước ngoài là 26,88 triệu cổ phiếu, trong khi số chứng khoán được mua vào chỉ khoảng 12 triệu. So với tuần trước lượng mua của khối ngoại đã tăng 41% nhưng bán tăng 80%.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index đang có giá trị 125,32 điểm, cao hơn cuối tuần trước 4,5%, tương đương 5,45 điểm. Tổng số cổ phiếu sang tên bình quân mỗi phiên khoảng 7,38 triệu, ứng với giá trị 222,37 tỷ đồng. Giá trị và khối lượng giao dịch giảm lần lượt 23% và 20%.

Hoạt động mua bán trái phiếu hết sức sôi động với sự tham gia tích cực của khối ngoại. Trong số 53,54 triệu trái phiếu được khớp, có tới 80%, tương đương 42,6 triệu, là do nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Trái lại, lượng trái phiếu được gom chỉ vẻn vẹn 16,6 triệu , 31%.

Những con số trên cho thấy, giao dịch trái phiếu và cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài hiện không chỉ đơn thuần là giao dịch nội khối mà phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài bán cho nhà đầu tư trong nước.

Một chuyên gia chứng khoán nhận định, việc khối ngoại tăng bán tuy là tín hiệu bất lợi cho chứng khoán nhưng cũng là một diễn biến có thể dự đoán được. Hiện khủng hoảng tài đang tàn phá nền kinh tế của nhiều quốc gia nên nhiều quỹ đầu tư rút dần tiền khỏi chứng khoán để đầu tư vào các loại tài sản an toàn hơn. Không chỉ tại Việt Nam mà một số thị trường mới nổi khác như Trung Quốc, Nga cũng chứng kiến dòng vốn ngoại rút dần khỏi chứng khoán để chờ cơ hội khi thị trường chạm đáy. Những gì đang diễn ra tại thị trường trong nước là không quá đáng ngại. Ngoài ra so với quy mô thị trường cũng như lượng vốn đầu tư của khối ngoại vào các doanh nghiệp, lượng bán ra thời gian này vẫn chưa đáng lo.