Gần đây, Hà Nội nổi lên như một địa điểm hấp dẫn với các doanh nghiệp(DN) đầu tư nước ngoài (FDI) Nhật Bản, Hàn Quốc... đầu tư vào các dự án sản xuất. Tính đến hết tháng 9 - 2008, Hà Nội đã thu hút đầu tư 250 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 4,427 tỉ USD (tăng gấp 3,16 lần so với cùng kỳ năm 2007). Đặc biệt, nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, điện tử và công nghiệp nặng... thể hiện yếu tố bền vững khi thu hút các dự án FDI.
Ngoài ra, một ưu điểm dễ thấy là từ ngày 1-8, thủ đô đã rộng gấp 3,6 lần so với trước đây. Với diện tích hơn 334.470 ha, dân số khoảng 6,2 triệu người, Hà Nội mở rộng nằm trong top 17 TP, thủ đô lớn nhất thế giới. Mật độ dân số khoảng 3.500-4.000 người/km2, tương đương với Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc)... Sự kiện mở rộng Hà Nội thực sự càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, sản xuất vào thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Không chỉ dồi dào về lực lượng nhân công mà theo đánh giá của các DN FDI, chi phí nhân công tại các tỉnh phía Bắc và Hà Nội cũng thấp hơn 30% so với thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam. Chính vì sự hấp dẫn đó, lần đầu tiên tập đoàn quốc tế Global Supply Chain Council đã quyết định tổ chức một đợt khảo sát, tham quan các nhà máy lớn tại Hà Nội nhằm giúp các nhà đầu tư, các nhà sản xuất thấy được bức tranh sản xuất toàn cảnh cùng các yếu tố thuận lợi, thử thách của thị trường các tỉnh phía Bắc, đồng thời hỗ trợ các DN trong nước cập nhật thông tin đối tác để có kế hoạch phát triển, phát huy thế mạnh.
Phần lớn các DN FDI cho rằng: Khi thế giới đang rúng động bởi sự cố sữa nhiễm độc tố melamine ở Trung Quốc – nơi được xem là nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới - thì Hà Nội nói riêng và VN nói chung được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. “Nhận định đó có thể hơi ưu ái nhưng hoàn toàn có cơ sở bởi những phân tích hết sức hợp lý về điều kiện thuận lợi mà Hà Nội đang có” - ông Wanabe, phó giám đốc một DN Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí, nói.