Hơn 40 ngàn tỷ đồng đầu tư vào Tây Bắc

08:45, 13/10/2008

Lần đầu tiên một sự kiện xúc tiến đầu tư lớn được tổ chức riêng cho Tây Bắc. Cũng lần đầu tiên Tây Bắc đón nhận cùng lúc hơn 40 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư.

Ngày 14/10, Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc đã diễn ra tại Sa Pa – Lào Cai. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của khu vực Tây Bắc, với sự tham gia của 6 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã tham dự và chỉ đạo diễn đàn. Đến với diễn đàn có khoảng 500 đại biểu đại diện cho các tỉnh, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

Diễn đàn là dịp để Tây Bắc giới thiệu tiềm năng và lợi thế, các dự án trọng điểm đang ưu tiên đầu tư, cũng như các cơ chế ưu đãi đầu tư. Đây cũng sẽ là dịp tốt để các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến và các nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm ra cơ hội hợp tác, đồng thời thảo luận các biện pháp để làm cho môi trường đầu tư của Tây Bắc hấp dẫn hơn.

Cập nhật đến trước thời điểm khai mạc, Ban tổ chức cho biết tại diễn đàn sẽ có ít nhất 20 dự án với tổng vốn trên 40 ngàn tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngay tại diễn đàn, đại diện nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ có những cam kết đặc biệt nhằm thực thi mô hình “3 nhà” (Nhà nước – Doanh nghiệp – Ngân hàng) trong thúc đẩy đầu tư vào Tây Bắc.

Trong các dự án được cấp phép lần này, đáng chú ý nhất là dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng - thể thao Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) với số vốn đầu tư trên 1,427 tỷ USD. Dự án do công ty TNHH Việt Hân làm chủ đầu tư.

Tại diễn đàn, tỉnh Phú Thọ còn có ba dự án khác được cấp phép: Dự án trồng rừng và sản xuất ván nhân tạo trị giá 41,5 triệu USD; dự án sản xuất ethanol và biodiesel trị giá 80 triệu USD; dự án nuôi tôm càng xanh trị giá 5 triệu USD.

Trong đợt này, tỉnh Lào Cai đã cấp phép đầu tư cho nhiều dự án công nghiệp cơ bản có ý nghĩa cho cả nước. Trong đó, có dự án đầu tư 435 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất phân DAP công suất 330 ngàn tấn/năm, do Tổng công ty Hoá chất làm đầu mối đầu tư. Lớn thứ hai là dự án khai thác và chế biến gang thép Bản Qua – Bát Xát trị giá 94 triệu USD. Ngoài ra tỉnh còn cấp phép cho 2 dự án du lịch với tổng vốn đầu hơn 30 triệu USD.

Tỉnh Hà Giang có hai dự án về khai thác và chế biến khoảng sản, đầu tư thuỷ điện với tổng vốn cam kết gần 200 triệu USD. Lai Châu có 3 dự án về thuỷ điện, khai khoáng và phát triển cây cao su với nguồn vốn cam kết shơn 200 triệu USD. Điện Biên có 2 dự án được cấp phép với tổng số vốn 30 triệu USD. Yên Bái có một dự án đầu tư khai thác rừng và sản xuất giấy gần 100 triệu USD.

Tại diễn đàn đã có nhiều văn bản ký kết hợp tác theo mô hình liên kết “3 nhà”. Đáng chú ý là Dự án Thuỷ điện Nậm Củm trị giá 50 triệu USD được ký cam kết giữa tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, và hai công ty Sông Đà – Hoàng Liên. Một điển hình khác là dự án Nhà máy khai thác và tuyển quặng Apatit số 3, với trị giá gần 40 triệu USD.

Đặc biệt, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông ký cam kết với 6 tỉnh Tây Bắc về đầu tư phát triển hạ tầng cung cấp dịch vụ Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin trị giá 800 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả bước đầu về kết quả thu hút đầu tư, ông Lê Sỹ Mạnh trong Ban tổ chức diễn đàn nhận định: “Đây mới là cam kết ban đầu, tôi tin rằng con số sẽ còn tăng lên trong những ngày sau diễn đàn.” Ông cho biết thêm, nếu các dự kiến được triển khai thì sẽ thực sự là một nguồn động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Bắc như mục tiêu của Chính phủ đề ra.