Liên kết ''ba nhà'' đánh thức tiềm năng Tây Bắc

08:40, 11/10/2008

Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Bắc tổ chức ngày 15/10 tại Lào Cai sẽ mang đến một mô hình mới để đánh thức vùng đất giàu tiềm năng nhưng cũng nhiều gian khó này.

Đoàn tiền trạm của Ban tổ chức diễn đàn đã có mặt sớm tại Lào Cai ngày 11/10. Sau đợt bão lũ vừa qua, giao thông lên Tây Bắc rất tệ hại. Đây chính là thời điểm phản ánh rõ điểm bất lợi nhất của Tây Bắc trong phát triển kinh tế.

Tây Bắc - một vùng rộng lớn gần 60.000 km2, có lợi thế về khí hậu, đất đai, khoáng sản, tiềm năng rừng và thuỷ điện, du lịch. Cộng thêm vào là thế mạnh kinh tế biên mậu với Lào và Trung Quốc, là tâm điểm giao thương và khu vực hợp tác giữa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS)… luôn được đánh giá giàu tiềm năng

Chính phủ cũng đã có chính sách đầu tư riêng cho Tây Bắc, nhưng với những bất lợi: địa hình hiểm trở, dân cư phân tán và trình độ thấp, hạ tầng yếu kém, thiếu vốn, Tây Bắc vẫn là vùng kinh tế khó khăn và tỷ lệ hộ đói nghèo thuộc diện cao nhất cả nước

Mong ước về những con đường

Ông Trần Công Bình - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết, với khát vọng kêu gọi đầu tư, địa phương đã có rất nhiều chính sách ưu đãi và thủ tục thuận tiện cho nhà đầu tư. Địa phương cũng có thế mạnh về nông lâm sản, khoáng sản và thuỷ điện. Nhưng đường không có, điện không đến nơi, thông tin liên lạc thiếu thốn thì thật khó hấp dẫn nhà đầu tư. DN muốn tự làm thì không đủ lực, tỉnh muốn hỗ trợ nhưng ngân sách hạn chế. Tính đi tính lại, bài toán hiệu quả vẫn cản bước nhiều nhà đầu tư đến với Tây Bắc.

Công ty có một nhà máy tinh bột sắn và vùng nguyên liệu ở huyện Văn Yên. Đường nhỏ, cầu cống xuống cấp, chỉ xe khoảng 10 tấn hoạt động được, trong khi để có hiệu quả phải là xe 30 – 40 tấn. Chí phí vận tải đã lên đến 400 – 500 ngàn cho một tấn bột sắn trị giá 5 triệu đồng. Ông Bình ví dụ.

Ông Vũ Đình Trung, Phó giám đốc Công ty cổ phần xi măng Yên Bình cho biết: để vận chuyển hiệu quả, các nhà máy xi măng thường dùng xe téc 85 – 100 tấn cho sản phẩm rời và xe tải trên 30 tấn cho xi măng bao. Tuy nhiên, đường sá Tây Bắc rất khó đáp ứng những xe tải trọng lớn như thế.

Công ty liên doanh YBB cho biết, sản phẩm canxi cacbonat của công ty phải vận chuyển bằng đường sắt nội bộ đến ga trung chuyển, dùng tàu hoả chở về Việt Trì; tại đó chuyển tải tàu sông đi về cảng Hải Phòng; từ cảng Hải Phòng mới lên tàu đi các thị trường khác. Giá thành vận chuyển cao khiến cho DN kém cạnh tranh và giảm đi sự hấp dẫn trong đầu tư.

Ông Dương Văn Tiến – Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái thừa nhận, tiềm năng thì không phải nói, địa phương có lòng hồ Thác Bà rộng nhất miền Bắc với 1300 hòn đảo, có cây chè đứng thứ 2 cả nước, có đá vôi hàng tỷ tấn và nhất là tỉnh duy nhất có đá vôi trắng 90% nhưng thu hút đầu tư vẫn khó khăn. Trong đó hạ tầng giao thông là một vấn đề còn phải khắc phục nhiều.

Sắp tới, khi tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai được cải tạo, đi về Hà Nội chỉ còn 3 tiếng, đường bộ cao tốc được xây dựng, thông thương Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh chưa đến 1 ngày thì tác động thu hút đầu tư sẽ rất lớn. Yên Bái mới có thể phát huy vị trí trung tâm vùng của mình được. Ông Tiến hy vọng.

Ông Trần Công Bình cũng cho biết, DN ông đang dự định mở dịch vụ nhà hàng khách sạn và du lịch sinh thái. Đầu tư ban đầu còn nhỏ, nhưng quy mô sẽ lớn dần lên theo nhu cầu. Ông hy vọng khi giao thông đường bộ, đường sắt, và đường sông được cải thiện, thì cơ hội hấp dẫn du khách đến với những Thác Bà, Suối Giàng sẽ nhiều hơn.

Ông Lê Khả Đấu, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc đã khẳng định sự ưu tiên hàng đầu cho hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là việc cải tạo Quốc lộ 70 và thi công tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội. Đồng thời, các tuyến đường sắt và đường sông hiện có cũng sẽ được nâng cấp.

Hợp sức thúc đẩy đầu tư

Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Bắc lần đầu tiên được triển khai theo mô hình ba nhà. Nhà nước – Doanh nghiệp – Ngân hàng sẽ gặp gỡ nhau để thống nhất xây dựng và triển khai các dự án.

Mô hình ba nhà được kỳ vọng là một đột phá cho Tây Bắc. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ về quy hoạch, tạo dựng các chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi; DN là chủ thể đầu tư, xây dựng và trực tiếp triển khai các dự án, ngân hàng vừa là “bà đỡ” cho nhà đầu tư, vừa là đối tác hùn vốn, đồng thời cung ứng các dịch vụ ngân hàng.

Thực tế, đã có những dự án điển hình thành công với mô hình này. Nhà máy xi măng Yên Bình (Yên Bái) có tổng vốn đầu tư trên 1200 tỷ đồng. Được lựa chọn vào dự án là Vinaconex có uy tín và năng lực cao. Ngân hàng Đầu tư phát triển cùng các ngân hàng khác đã tài trợ một phần vốn lớn. Nhà nước cung cấp tín dụng ưu đãi và hỗ trợ vay vốn nước ngoài. Địa phương dù ngân sách chỉ hơn 300 tỷ/năm vẫn bỏ ra hơn 20 tỷ hỗ trợ đường điện vào tận công trình, đường vận tải nối ra quốc lộ, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khai thác và vận chuyển nguyên liệu. Vì thế, chỉ sau hơn hai năm thi công Xi măng Yên Bình đã ra thị trường và được bao tiêu toàn bộ trong vòng năm năm.

Đến diễn đàn lần này, ngân hàng BIDV công bố một chương trình cung cấp vốn và các dịch vụ tài chính khép kín với mức phí ưu đãi như: tài trợ xuất nhập khẩu, tín dụng ngắn và dài hạn, bảo lãnh, thanh toán biên mậu, cho thuê tài chính, bảo hiểm… Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 và 2015, BIDV cam kết dành 30.000 tỷ đồng để đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của vùng Tây Bắc. Đồng thời, BIDV sẽ chủ động làm đầu mối thu xếp vốn đồng tài trợ, kêu gọi, tìm kiếm các nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài cho các dự án có hiệu quả.

BIDV sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội.

Dường như vững tâm hơn với mô hình mới, đã có hàng trăm nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào 6 địa phương Tây Bắc với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, có hàng chục dự án đã được trao giấy phép đầu tư. Tây Bắc đang hy vọng vào một sức bật mới.