Theo thống kê của sàn giao dịch muabancongty.com do Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt nam (TigerInvest) quản lý, nếu cả năm 2007 chỉ có khoảng 200 cơ hội đầu tư được giới thiệu trên sàn, thì 6 tháng đầu năm nay con số này đạt khoảng 600, trong đó 70% là rao bán.
Đây là một trong những điểm mới của Nghị định 109 về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vừa được Chính phủ ban hành.
Đối với các ngành nghề, lĩnh vực mà Việt Nam có cam kết, nhà đầu tư nước ngoài được tham gia cùng với các doanh nghiệp, công dân Việt Nam khác mua một phần của doanh nghiệp theo tỉ lệ không vượt quá mức cam kết của Việt Nam về quyền kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng trong nghị định trên, lần đầu tiên đối tượng không được tham gia mua doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được quy định rõ, đó là các tổ chức kinh tế tài chính trung gian và cá nhân thuộc tổ chức kinh tế tài chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp.
Ra đời thay thế cho Nghị định 80 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước ban hành năm 2005, Nghị định 109 đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Đây cũng được cho là tác nhân làm “nóng” thị trường mua bán doanh nghiệp trong thời gian tới.
Dù mới phát triển, song hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt nam đang diễn ra khá sôi động ở hầu hết các lĩnh vực trong 2 năm gần đây, trong đó tài chính - ngân hàng là lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Tính riêng tháng 8 năm nay, đã có một làn sóng mua lại cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam như Ngân hàng Societe Generale của Pháp mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng Cổ phần Đông Nam Á; HSBC nâng tỉ lệ sở hữu tại Techcombank lên 20%; OCBC của Singapore mua lại 15% cổ phần của VP Bank...
Theo thống kê của sàn giao dịch muabancongty.com do Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt nam (TigerInvest) quản lý, nếu cả năm 2007 chỉ có khoảng 200 cơ hội đầu tư được giới thiệu trên sàn, thì 6 tháng đầu năm nay con số này đạt khoảng 600, trong đó 70% là rao bán.
Lý giải về xu hướng này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng lợi ích đầu tiên khiến các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú khi tiến hành M&A tại Việt Nam vì đây là con đường ngắn nhất để họ tiếp cận thị trường Việt Nam và tận dụng hệ thống phân phối, mạng lưới khách hàng cũng như nguồn nhân lực sẵn có của các đối tác Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi từ hoạt động này.
Theo nhận định của ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ tiếp tục phát triển mạnh, nhất là trong môi trường hội nhập cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Dự báo trong 6-10 năm tới, sẽ có từ 35%-50% số doanh nghiệp Việt Nam tiến hành sáp nhập.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các quy định liên quan đến mua bán, sáp nhập, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động này.