Ngày 31/10, chứng khoán khép lại tuần giao dịch bằng phiên tăng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn nghe ngóng và chưa mạnh dạn quay lại thị trường khiến khối lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm.
Nhóm 20 cổ phiếu đứng đầu về giá trị vốn hóa đều mang sắc xanh. Trong đó một số mã như FPT, STB, hay PPC duy trì giao dịch tại giá trần trong toàn bộ phiên. Những cổ phiếu lớn khác như SSI, VNM, REE, HPG hay DPM cũng đều kết thúc ngày với mức tăng gần hết biên độ cho phép.
Tuy tăng điểm nhưng không khí giao dịch tại HOSE khá trầm lắng. Tính thanh khoản không những không được cải thiện mà còn đi xuống so với phiên trước. Phần lớn các mã đều có dư mua và dư bán, tuy nhiên cả bên cung và cầu đều không thực sự muồn mua hoặc bán bằng mọi giá. Như vậy, qua hai phiên gần đây khối lượng giao đều sụt giảm.
Theo các chuyên gia của công ty Chứng khoán SME, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ lan ra các nước Châu Âu và bây giờ đã thực sự ảnh hưởng toàn diện đến các nước Châu Á, khu vực kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Dù các nước đang cố gắng bằng mọi biện pháp để chống chọi và vượt qua cơn khủng hoảng này nhưng kết quả như thế nào thì không ai có thể khẳng định được. Thế nên, tâm lý của nhà đầu sẽ còn tiếp tục mất ổn định.
Kinh tế trong nước dẫu có tín hiệu tích cực như CPI giảm, lãi suất và giá xăng dầu cùng hạ, nhưng chưa đủ để cho thấy sự ổn định bền vững. Chính điều này đã tạo ra sự dè dặt của nhà đầu tư khi quyết định tham gia thị trường. Diễn biến này thể hiện ở tính thanh khoản sụt giảm trong 2 phiên tăng gần đây.
Có cùng quan điểm trên, một chuyên gia chứng khoán khác cũng cho biết. Để chứng khoán khởi sắc trở lại, diễn biến tốt từ thị trường thế giới là chưa đủ mà còn cần những chuyển biến mạnh hơn nữa từ thị trường trong nước.
Hiện tại, một số chỉ số cơ bản về vĩ mô đã khả quan hơn nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong quý III vừa qua, kết quả kinh doanh của nhiều công ty tuy bằng hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nếu phân tích kỹ lại thể hiện sự sa sút đáng lo ngại. Nguyên do là, khác với năm 2007, quy mô vốn của đa số công ty niêm yết trong năm nay đều tăng đáng kể. Vậy nên việc kết quả kinh doanh bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn đôi chút thực tế có thể coi là một bước lùi trong hoạt động.
Kết thúc đợt khớp lệnh thứ hai, Vn-Index tiếp tục tăng tốc, từ đó nâng số điểm cộng lên mức 9,21 điểm, tương đương 2,74%, chốt tại 345,78 điểm. Số chứng khoán sang tên trong đợt này đạt 10,49 triệu, giá trị 292,03 tỷ đồng.
15 phút của đợt khớp lệnh định kỳ thứ 3 đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 với giá trị 347,05 điểm của Vn-Index. So với phiển trước, chỉ số này tăng 3,11% ngang với số điểm cộng 10,48 điểm.
Trên toàn sàn HOSE, đã có 14,57 triệu chứng khoán được sang tên, ứng với giá trị 435,01 tỷ đồng. Qua giao dịch thỏa thuận, đã có 1,9 triệu cổ phiếu được khớp, giá trị 68,32 tỷ đồng.
Toàn sàn có 117 mã tăng, 19 mã đứng giá, và 30 mã giảm.
Cơn mưa xối xả tại Hà Nội sáng nay không thể ngăn đà đi lên của chứng khoán sàn Hà Nội. HaSTC-Index đóng cửa tại 114,88 điểm, tiến thêm 2,94 điểm, tương đương 2,63%. Lượng giao dịch toàn sàn đạt 7,95 triệu cổ phiếu, giá trị 234,13 tỷ đồng.