Nhà đầu tư dè dặt với cầm cố chứng khoán

08:28, 08/10/2008

Thận trọng hơn trong bài toán kinh doanh, nhà đầu tư đã không ồ ạt lao vào repo, cho vay cầm cố, vốn đang sôi động trở lại, khiến cho hoạt động giải ngân đối với nghiệp vụ này tại các công ty chứng khoán ở mức khiêm tốn.

Trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán Gia Quyền, ông Nguyễn Ngọc Thức cho biết, một ngày tổng giá trị cầm cố cao nhất cũng chỉ đạt 500 triệu đồng, tương đương 10 tỷ đồng một tháng, bằng 1/4 so với thời điểm năm 2007. Trong khi mức giải ngân của ngân hàng Eximbank rót cho các công ty chứng khoán lên đến 800 tỷ đồng.

Tại công ty chứng khoán Eurocapital (ECC), nghiệp vụ này diễn biến khả quan hơn. Tổng giá trị cho vay của ECC phối hợp với ngân hàng BIDV ước đạt hàng chục tỷ đồng. Sau hơn 1 tuần triển khai, mức độ giải ngân vào khoảng 2/3 tổng hạn mức, Phó tổng giám đốc ECC, bà Lê Thị Thu Hiền cho biết. Dù nhận thấy quy mô cho vay cầm cố chứng khóan của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là khiêm tốn, song vị Phó tổng cho rằng đây là những bước đi mang tính khởi động, đón đầu sự ổn định, tăng trưởng của thị trường chứng khóan trong thời gian tới.

Giám đốc môi giới công ty chứng khoán FPT ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, dù nghiệp vụ cho vay cầm cố chứng khoán tái xuất từ đầu tháng 8, tuy nhiên nhà đầu tư đã không còn hồ hởi đón nhận như thời điểm thị trường tăng nóng ở những năm trước. Bởi lẽ, bài học đau thương vẫn còn đó khi thị trường quay đầu đi xuống, những nhà đầu tư bằng nguồn tiền vay sẽ bị lỗ nặng nhất. Hơn nữa thị trường vẫn còn đang lình xình và chưa xác định xu hướng cụ thể trong thời gian tới nên nhà đầu tư trở nên dè dặt và không mặn mà nhập cuộc.

Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng với lãi suất cao khiến nhà đầu tư thận trọng với hoạt động cho vay cầm cố tại các công ty chứng khoán. Ảnh: B.H.

Ông Dũng cho biết thêm, mức lãi suất 20%, 21% trong hoạt động cho vay cầm cố không phải là một trở ngại ngăn cản làn sóng nhà đầu tư tham gia. Bởi lẽ, những nhà đầu tư ngắn hạn có nhu cầu vay cầm cố rất cao, nếu thị trường tăng trưởng tốt, mức sinh lời của đối tượng lướt sóng thậm chí còn vượt 20%. Riêng đối với những nhà đầu tư dài hạn, họ sẽ phải toan tính rất kỹ khi vay tiền đổ vào chứng khoán, vì không loại trừ khả năng lãi suất phải trả cao hơn tỷ suất sinh lợi. Vì vậy, theo ông chỉ có sự ổn định và khả năng tăng trưởng bền vững của thị trường mới làm nóng lại nghiệp vụ này.

Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán Vincom chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Bảo Toàn thừa nhận "Quy mô vay chỉ tăng mạnh khi thị trường đảm bảo các tín hiệu tốt, khả năng thanh khoản cao". Nhưng hiện thị trường không đảm bảo những yêu cầu đó nên quy mô vốn giải ngân cho vay cầm cố tương đối thấp là điều bình thường.

Tuy nhiên, xét về tác động tích cực, ông Toàn chia sẻ, cho vay cầm cố, repo trở lại đã cởi bỏ mối hoài nghi của nhà đầu tư đối với các ngân hàng trong nước về nợ xấu và các khoản thua lỗ phát sinh sau giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh vừa qua.

Với giới đầu tư, khi thị trường chưa rõ xu hướng thời điểm này, họ không dồn hết tiền vào giỏ chứng khoán, mà thận trọng để dành một phần tiền mặt.

Nhà đầu tư Hoài Thanh tại sàn chứng khoán Cao Su cho rằng, với lãi suất đỉnh 21% một năm, tương đương 1,75% một tháng, nếu vay 1 tỷ đồng, nhà đầu tư hàng tháng phải trả lãi 17,5 triệu đồng, trong khi từ nay đến cuối năm nhiều dự báo thị trường không vượt nổi mốc 500. Chưa kể, hạn mức được vay cũng như thị giá cổ phiếu trong danh mục cầm cố định giá thấp. Nhà đầu tư sau những trái đắng phải nhận giai đoạn đầu năm sẽ ngó trước nhìn sau, không dám vay mạnh tay dù được công ty chứng khoán cùng với ngân hàng bật đèn xanh.

Không chỉ nhà đầu tư cẩn trọng với cho vay cầm cố mà cả ngân hàng cũng đưa ra những tiêu chí khắt khe hơn nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn, như việc lựa chọn danh mục cầm cố giới hạn lại ở vài chục thay vì vài trăm như trước; cổ phiếu định giá ở mức thấp, chỉ bằng 40% thị giá thay vì vượt 50% như năm 2007; danh mục và thị giá cho vay được điều chỉnh liên tục dựa vào biến động thị trường.