Cho phép nước ngoài đầu tư dự án điện EVN trả lại

15:06, 04/11/2008

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao cho Bộ Công Thương hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai 13 dự án nhiệt điện than mà Tập đoàn EVN đã trả lại hồi tháng 8 vừa qua theo hướng cho phép một số đối tác nước ngoài cùng tham gia đầu tư cùng với nhiều tập đoàn kinh tế và tổng công ty lớn trong nước.

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép tiếp tục đầu tư 2 dự án gồm Duyên Hải 1 (Trà Vinh) công suất 2 x 600 MW và Dự án Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) công suất 2 x 600 MW.

2 dự án khác có công suất 2x 600 MW giao cho nhà thầu nước ngoài gồm Tập đoàn Janakusa của Malaysia với dự án Duyên Hải 2 công suất 2x600 MW thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Tập đoàn Lưới điện Phương Nam - CSG (Trung Quốc) với Dự án Vĩnh Tân 1 thuộc tỉnh Bình Thuận.

3 dự án khác có công suất từ 2x600 MW trở lên được giao cho 3 tập đoàn lớn tại VN. Trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN với dự án Long Phú 1 (tỉnh Sóc Trăng) có công suất 2 x 600 MW. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam với Dự án Vũng Áng 1 (tỉnh Hà Tĩnh). Còn Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đảm nhận Dự án Hải Phòng 3.

Dự án Vĩnh Tân 3 (tỉnh Bình Thuận) công suất lớn 2 x 1000 MW được giao cho tổ hợp các nhà thầu gồm EVN, One Energy, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thái Bình Dương (Pacific Corporation) đảm nhận. Còn Tổ hợp hợp gồm Lilama, REE, One Energy đảm nhận Dự án Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh) công suất 2 x 600 MW. 3 dự án khác gồm Duyên Hải 3, Long Phú 2, Long Phú 3 vẫn tiếp tục xem xét trên cơ sở thực hiện các dự án trong các Trung tâm điện lực.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương lập hồ sơ để tổ chức đấu thầu quốc tế các dự án nhiệt điện than Vũng Áng 3, Quảng Trạch, đồng thời chỉ đạo cơ quan tư vấn bổ sung các nội dung theo quy định để xem xét phê duyệt quy hoạch địa điểm các Trung tâm điện lực Hải Phòng 3, Vũng Áng 3, Quảng Trạch theo đúng quy định hiện hành. Các đơn vị được chỉ định thầu phải triển khai ngay nhằm đảm bảo tiến bộ các dự án theo đúng tiến. Trường hợp chủ đầu tư triển khai chậm, có nguy cơ phá vỡ tiến độ, Bộ Công Thương đề xuất thay chủ đầu tư khác. Kết quả xử lý báo cáo Chính phủ xem xét.

Với lý do thiếu vốn, tháng 8 vừa qua, EVN quyết định trả lại 13 dự án mà Chính phủ đã giao cho tập đoàn này đầu tư. Theo báo cáo, EVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước, nhưng do giá điện thấp và tình hình lạm phát tăng cao, nên tình trạng thu không đủ chi của EVN sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ và các ngân hàng từ chối cho vay.