Sư Tử Vàng - mỏ dầu lớn thứ tư của Việt Nam - hôm qua (19-11) được công bố đã đưa vào khai thác.
Cửu Long JOC là công ty liên doanh giữa bên Việt Nam là Tổng công ty Thăm dò - Khai thác Dầu khí (PVEP), một tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (chiếm 50% vốn) với Công ty Dầu khí Conoco Phillips (Anh) (23,25%), Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC - 14,25%), Công ty SK (Hàn Quốc - 9%) và Công ty Geopetrol (Monaco - 3,5%) để tiến hành công tác thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 15.1 thềm lục địa Việt Nam.
Cửu Long JOC hiện có bốn mỏ dầu khí là Sư Tử Đen phát hiện 6/10/2000, đưa vào khai thác 29/10/2003; Sư Tử Vàng phát hiện 23/10/2001, đưa vào khai thác 14/10/2008; mỏ Sư Tử Trắng, phát hiện 19/11/2003, dự kiến đưa vào khai thác từ 2011 đến 2016; mỏ Sư Tử Nâu, phát hiện 1/9/2005, dự kiến đưa vào khai thác 2013. Mỏ Sư Tử Vàng nằm trong lô 15.1 của thềm lục địa Việt Nam (ngoài khơi tỉnh Bình Thuận). Mực nước sâu khoảng 52 m và cách mỏ Sư Tử Đen 6 km về phía Nam.
Đề án phát triển tổng thể mỏ Sư Tử Vàng bắt đầu từ tháng 11/2005, với khả năng xử lý được 100.000 thùng dầu/ngày. Bên cạnh hệ thống thiết bị khai thác mỏ Sư Tử Đen, đề án mỏ Sư Tử Vàng với tổng chi phí gần 1 tỷ USD đã tạo nên cơ sở hạ tầng cơ bản để khai thác toàn bộ cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng và các mỏ Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu trong tương lai.
Cùng với việc hoàn thiện năm giếng còn lại của mỏ Sư Tử Vàng (dự kiến sẽ lần lượt đưa vào khai thác trong năm 2008), sản lượng khai thác của Cửu Long JOC có thể sẽ được nâng lên mức 100.000 thùng/ngày, gấp đôi so với sản lượng hiện đang khai thác.
Cũng theo ông An, từ năm 2003, khi bắt đầu đi vào khai thác mỏ Sư Tử Đen, Cửu Long JOC đứng thứ hai ở Việt Nam về sản lượng và doanh thu xuất khẩu dầu thô (sau Liên doanh Dầu khí Việt - Xô). Tổng doanh thu bán dầu đạt 7,6 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách nhà nước 3,3 tỷ USD.